Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền lực của người mua

09:01, 29/01/2013

Điều gì khiến người tiêu dùng chịu bỏ tiền mua món hàng nhãn hiệu A mà không phải là B, trong cùng một ngành hàng? Dĩ nhiên, theo thói quen, đó là sự cân nhắc cẩn trọng về chất lượng, hình thức, giá cả, độ bền… Nhưng, ở thì hiện tại, còn có nhiều yếu tố để người tiêu dùng không chọn món hàng A nào đó.

Điều gì khiến người tiêu dùng chịu bỏ tiền mua món hàng nhãn hiệu A mà không phải là B, trong cùng một ngành hàng? Dĩ nhiên, theo thói quen, đó là sự cân nhắc cẩn trọng về chất lượng, hình thức, giá cả, độ bền… Nhưng, ở thì hiện tại, còn có nhiều yếu tố để người tiêu dùng không chọn món hàng A nào đó.

Cách đây gần 3 năm, thị trường Việt Nam lần đầu tiên chứng kiến một cuộc tẩy chay sản phẩm Vedan trên quy mô lớn, từ siêu thị, đại lý bán lẻ đến các tiểu thương. Lý do xuất phát từ sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của doanh nghiệp này.

Tháng trước, một số siêu thị đã chủ động ngưng nhập trứng gà CP - một thương hiệu trứng gà lớn, an toàn và sạch. Bởi, cùng với vài công ty khác, CP đã dựa trên ưu thế thị phần lớn để nâng giá trứng bất hợp lý, chỉ trong vòng 2 tuần, giá trứng gà CP đã tăng gấp rưỡi so với giá cũ. Ngay sau đó, trước sự phản ứng của người tiêu dùng và sự can thiệp của cơ quan thẩm quyền, CP đã phải hạ giá trứng.

Còn hiện tại, cộng đồng mạng Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ - những người tiêu dùng chính của nhãn hàng Coca Cola đang phát động phong trào tẩy chay sản phẩm của nhãn hàng này, sau nhiều thông tin cho rằng bằng các thủ đoạn tinh vi, hãng nước giải khát nổi tiếng này trốn cả ngàn tỷ đồng tiền thuế tại Việt Nam thông qua hoạt động chuyển giá.

Nhìn rộng ra, tẩy chay hàng hóa không phải là một chuyện mới diễn ra gần đây. Ở nhiều nước, phong trào tẩy chay một mặt hàng nào đó xuất phát từ lâu, và nó thông thường có nguồn gốc từ việc chất lượng hàng hóa không đảm bảo, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Về sau này, có nhiều nguyên nhân khác khiến người tiêu dùng từ chối mua hàng: môi trường, chính sách lương, cách đối xử với người lao động, phong tục tập quán…

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tẩy chay hàng hóa vì các lý do bên ngoài chất lượng sản phẩm còn tương đối mới, bởi nền kinh tế còn trong quá trình chuyển đổi. Song điều này là cần thiết, vì nó sẽ làm minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp và làm trong sạch thị trường tiêu dùng. Thực tế cho thấy, việc tẩy chay sản phẩm Vedan đã khiến doanh nghiệp này nhanh chóng có những cư xử phù hợp, trong đó quan trọng nhất là bồi thường thỏa đáng cho nông dân và chi hàng chục triệu USD để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến. Còn các công ty thao túng giá trứng gà cũng đã phải hạ giá trứng xuống mức hợp lý để lấy lại sức mua.

Thị trường hàng hóa hiện tại vô cùng phong phú, không có mặt hàng hay nhà sản xuất nào là duy nhất, độc quyền. Và người tiêu dùng hoàn toàn có thể chọn mua một sản phẩm khác tương tự khi sản phẩm nào đó “có vấn đề”. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ năm 2011 tuy không quy định cụ thể về quyền tẩy chay hàng hóa, song có nêu rõ quyền “Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”. Do đó, khi doanh nghiệp hành xử sai, người tiêu dùng có quyền từ chối mua hàng. Và thực tế đã chứng minh, không điều gì “lái” doanh nghiệp về lại những hành xử đúng đắn tốt hơn “quyền lực” này, khi nó được thể hiện đúng nơi, đúng việc.

Kim Ngân

 

 

Tin xem nhiều