Ông Sáu Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đã làm cho các nhà khoa học dự hội thảo chuyên đề về “Lưu vực sông Đồng Nai - tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A” (do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 16-12) nhiều lần phải bật cười vì sự so sánh dí dỏm của mình. Ông nói, một nhạc sĩ đã viết “Có một cây là có rừng, rồi rừng sẽ lên xanh…”, nghe thật hay, thật lãng mạn, nhưng thực tế không phải vậy vì rừng tự nhiên với rừng trồng khác nhau một trời một vực.
Ông Sáu Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, đã làm cho các nhà khoa học dự hội thảo chuyên đề về “Lưu vực sông Đồng Nai - tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A” (do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 16-12) nhiều lần phải bật cười vì sự so sánh dí dỏm của mình. Ông nói, một nhạc sĩ đã viết “Có một cây là có rừng, rồi rừng sẽ lên xanh…”, nghe thật hay, thật lãng mạn, nhưng thực tế không phải vậy vì rừng tự nhiên với rừng trồng khác nhau một trời một vực. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm công tác quản lý bảo vệ rừng, ông Sáu Mùi khẳng định, không có chuyện cứ trồng cây thì sẽ thành rừng! Vì rừng tự nhiên mang tính đa dạng sinh học rất phong phú. Việc ông Sáu Mùi phản bác chặt phá rừng tự nhiên ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên để làm thủy điện đã được đông đảo các nhà khoa học tán thành, ủng hộ.
Chuyện nhà “khoa học” nào đó cố tình nhập nhằng, đánh tráo khái niệm chỉ nhằm phục vụ cho mục đích phá rừng tự nhiên để làm thủy điện hay triệt để khai thác gỗ rừng xảy ra từ nhiều năm nay. Trước đây, có người còn đưa ra “sáng kiến” trồng cao su thay thế rừng tự nhiên nghèo, trong khi ai cũng biết cây cao su là cây kinh tế, không thể xem như cây rừng. Vườn cây cao su vào mùa nắng, người ta phải phát quang, dọn thực bì để phòng chống cháy, mùa mưa thì tạo rãnh thoát nước, không để bị ngập úng cây sẽ chết. Còn rừng tự nhiên được che phủ bởi hệ thực vật nhiều tầng lớp, phía trên lớp đất mặt là những thảm thực bì nhằm giữ độ ẩm cho rừng. TS. Phạm Hữu Khánh, chuyên gia về đa dạng sinh học VQG Cát Tiên, đã phải lên tiếng rằng: “Rừng tự nhiên nghèo chỉ là cách đánh giá của kinh tế lâm nghiệp về trữ lượng gỗ, còn về đa dạng sinh học thì không có phân biệt rừng giàu hay rừng nghèo. Chính những nơi rừng nghèo về trữ lượng gỗ này lại là chỗ kiếm ăn của nhiều loài chim, thú”.
Rừng nguyên sinh đã tồn tại hàng ngàn năm, điển hình như VQG Cát Tiên. Vậy mà có người nhân danh nhà “khoa học” vẫn thản nhiên đề xuất phá rừng nguyên sinh làm thủy điện, vì cho đó là rừng nghèo để sau đó trồng rừng mới! Họ còn đưa ra giải pháp bảo tồn là di dời cá thể loài thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm ra khỏi khu rừng bị phá. Đứng trước chuyện đề xuất phản khoa học này, TS. Lê Anh Tuấn (Viện Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ), đã phải thốt lên rằng: “Đây là chuyện không tưởng! Việc thu thập gen và cây giống cũng không phải chuyện dễ và trên thế giới cũng chưa có nơi nào thành công”.
Những lý lẽ bảo vệ cho tham vọng làm thủy điện, bất chấp việc phá hoại rừng nguyên sinh và bảo vệ môi trường ngày càng trở nên… ngây ngô một cách rất tội nghiệp.
Xuân Phú