Không thể không vui khi đứng trước một năm kinh tế thế giới còn biến động phức tạp, thương mại toàn cầu sụt giảm tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta thì Đồng Nai vẫn có những bứt phá ngoạn mục.
Không thể không vui khi đứng trước một năm kinh tế thế giới còn biến động phức tạp, thương mại toàn cầu sụt giảm tác động tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta thì Đồng Nai vẫn có những bứt phá ngoạn mục. Ước tính GDP năm 2012 ở Đồng Nai tăng trưởng 12,1% so với năm 2011, gấp hơn 2 lần so với tăng trưởng GDP cả nước (ước tăng khoảng 5,2%). Giá trị sản xuất công nghiệp, nông - lâm nghiệp và ngành dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm nay vượt dự toán Trung ương giao. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa sáng sủa thì Đồng Nai vẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vượt con số 1 tỷ USD (bao gồm dự án mới và dự án tăng vốn), tăng hơn 100 triệu USD so với mục tiêu tỉnh đề ra…
Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, khó khăn, thách thức vẫn còn đó. Báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII vừa qua đã nhận định: “Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn. Lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng cho vay; chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn lớn. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận được nguồn vốn, tồn kho lớn. Số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều. Thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước… Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều…”. Riêng Đồng Nai, do khó khăn chung nên năm 2012 có những chỉ tiêu kinh tế quan trọng không đạt mục tiêu đề ra là doanh nghiệp trong nước đăng ký vốn kinh doanh và kim ngạch xuất khẩu.
Một trong những khó khăn, thách thức lớn còn phải vượt qua là tiếp tục gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính, gây ra nhũng nhiễu, tiêu cực nhằm tạo ra một môi trường làm ăn bình đẳng để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Có thể thấy, mặc dù Đảng và Chính phủ đã có quyết tâm chính trị rất cao và đề ra nhiều giải pháp trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, loại bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Mới đây, ngày 7-12, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước một mặt triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, mặt khác phải chủ động rà soát loại bỏ những quy định không còn phù hợp hoặc đang cản trở đến việc thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của đất nước.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, các doanh nghiệp cả nước nói chung rất cần sự chia sẻ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và thái độ đúng mực của cán bộ, công chức thừa hành nhiệm vụ.
Xuân Phú