Thông tin gần đây từ các cơ quan thuế rộ lên hiện tượng chuyển giá để né thuế, trốn thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có các “đại gia” tên tuổi toàn cầu, như: Coca Cola, Metro, Adidas…
Thông tin gần đây từ các cơ quan thuế rộ lên hiện tượng chuyển giá để né thuế, trốn thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có các “đại gia” tên tuổi toàn cầu, như: Coca Cola, Metro, Adidas… Nghi vấn được đặt ra là các “đại gia” FDI sau nhiều năm vào Việt Nam làm ăn, liên tục đầu tư mở rộng kinh doanh, doanh thu tăng rất cao, nhưng báo cáo tài chính luôn là con số âm nên không phải đóng thuế. Các chiêu trò này không xa lạ gì với các tỉnh, thành thu hút nhiều doanh nghiệp FDI, như: TP.Hồ CHí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Theo đó, thông thường các doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ công ty mẹ ở nước ngoài với giá cao, sau đó bán lại sản phẩm cho công ty mẹ với giá thấp, như vậy trên sổ sách làm ăn tại Việt Nam là bị thua lỗ. Tại Đồng Nai, cơ quan thuế cũng đã phát hiện, đấu tranh với hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI.
Thực ra, chuyển giá để né thuế, trốn thuế là một hoạt động không xa lạ gì trên thế giới và ngay ở các nước phát triển cũng “đau đầu” về chuyện này. Mới đây, nước Anh cũng phải lên tiếng về Google, mạng tìm kiếm lừng lẫy thế giới có doanh thu rất lớn tại Anh nhưng đóng thuế rất nhỏ. Hóa ra, Google đã đăng ký hoạt động tại một quốc gia có chính sách thuế rất ưu đãi để được đóng thuế thấp, do vậy đã né được thuế ở nước Anh. Thậm chí, một tỷ phú Pháp khi biết tin nước này sẽ tăng thuế đánh vào giới giàu có thì ông ta cũng muốn chuyển quốc tịch sang nước khác có mức thuế thấp hơn.
Việc các doanh nghiệp FDI né thuế, trốn thuế là chuyện bình thường trong làm ăn, kể cả các “đại gia” có tên tuổi toàn cầu. Trên thế giới, “cuộc chiến” dai dẳng về thuế giữa một bên có trách nhiệm thu thuế là các cơ quan nhà nước với một bên là các doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế nhưng luôn tìm cách né thuế, trốn thuế chưa bao giờ có hồi kết. Do vậy, muốn đấu tranh hiệu quả với hiện tượng này, không chỉ cứ làm ầm trước công luận là xong mà cơ quan thuế và cán bộ thuế cần phải có nghiệp vụ giỏi phối hợp chặt chẽ với ngành hải quan để đấu tranh làm rõ với các chứng cứ hẳn hoi mới buộc họ phải tâm phục, khẩu phục. Với những doanh nghiệp FDI thuộc hàng “đại gia” bị lỗ lớn trong nhiều năm liên tục nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất mà không đưa ra được bằng chứng thuyết phục thì nên rút giấy phép hoạt động. Khi đó, họa may các doanh nghiệp này mới chịu lòi chân tướng!
Xuân Phú