Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có tiêu chí đánh giá cán bộ sát thực tế

10:12, 16/12/2012

Việc đánh giá cán bộ, công chức được coi là khâu quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ.

Việc đánh giá cán bộ, công chức được coi là khâu quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ. Đánh giá cán bộ cũng là để giúp cán bộ, công chức phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực và hiệu quả công tác. Tuy nhiên, việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn là khâu khó và yếu nhất, chậm được khắc phục.

Ông Nguyễn Đém, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Việc đánh giá cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua dựa vào kết quả của từng đơn vị. Hàng năm, từng đơn vị tự đánh giá lực lượng cán bộ, công chức của mình, trên cơ sở đó đơn vị tự đánh giá mình hoàn thành công việc ở mức nào. Theo đó, ít có trường hợp nào mà Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh về việc đề bạt cán bộ, công việc này phần lớn do các đơn vị tự làm. Sở Nội vụ chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn, chức danh để rà soát xem người đó có đảm bảo theo yêu cầu không. Bên cạnh đó, việc quy hoạch cán bộ cũng chỉ dựa vào hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và của cấp trên.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Mai Thanh lại cho hay, việc đánh giá cán bộ, công chức ở các địa phương chỉ là làm theo kiểu mày mò, với việc đánh giá, xếp loại theo 4 mức: xuất sắc, tốt, hoàn thành và không hoàn thành. Trong đó, việc đánh giá cán bộ, công chức ở lĩnh vực hành chính sự nghiệp khó nhất, chỉ mang tính chất định tính, không có định lượng như ở khối doanh nghiệp. Do đó, thời gian qua đã phải thực hiện biện pháp khống chế chỉ tiêu trong đánh giá cán bộ, công chức để hạn chế việc đánh giá không đúng thực chất.

Còn ông Võ Thanh Tâm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy lại đưa ra một thực tế: bản kiểm điểm nào của tập thể cũng nêu nhiều khuyết điểm nhưng bản kiểm điểm của cá nhân thì không thấy liên hệ trách nhiệm cá nhân trong khuyết điểm của tập thể. Các bản kiểm điểm của cá nhân chủ yếu nêu ưu điểm, ít thấy khuyết điểm gì. Việc làm kiểm điểm như vậy mà cơ quan, đơn vị vẫn đóng dấu xác nhận.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc nêu rõ, công tác đánh giá cán bộ, công chức dựa nhiều vào cơ sở, vào bản thân người cán bộ, công chức. Các tiêu chí soi rọi, đánh giá cán bộ, công chức còn ở mức độ. Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu xây dựng, đưa ra được những tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức rõ ràng hơn, qua đó để việc đánh giá cán bộ, công chức mang được tính khách quan, trung thực.

Phương Hằng

 

Tin xem nhiều