Trong 27 vở tham dự Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012, kinh phí đầu tư cho mỗi vở rất khác nhau, tùy tình hình tài chính của mỗi đoàn.
Trong 27 vở tham dự Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012, kinh phí đầu tư cho mỗi vở rất khác nhau, tùy tình hình tài chính của mỗi đoàn. Có những vở đầu tư rất khiêm tốn, “cây nhà lá vườn”, thiết kế sân khấu nghèo nàn, nhưng cũng có những vở đầu tư rất hoành tráng, lên đến vài tỷ đồng. Như vở Cội nguồn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang do tác giả Lê Duy Hạnh viết kịch bản, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, nghệ sĩ ưu tú Hoa Hạ đạo diễn… đều là những “cây đa, cây đề” trong giới sân khấu. Không chỉ thế, Cội nguồn còn đầu tư cả một màn hình led cực lớn làm nền cho sân khấu, đưa cả công nghệ thông tin vào ứng dụng như một thể nghiệm mới của cải lương hiện đại.
Dù đầu tư nhiều hay ít, thì đoàn nào đến với liên hoan ngoài việc giao lưu học hỏi, cũng đều mong mỏi có được giải thưởng, huy chương, bởi đây không chỉ là chuyện thứ bậc trong nghề mà còn là cơ sở để Nhà nước xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Vì thế, sự cạnh tranh, so kè giữa các đoàn là rất lớn.
Trong số các đoàn, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vẫn mặc nhiên được xem là “đại gia”. Tại buổi diễn vở Tiếng vạc sành vào sáng 24-10, đơn vị này đã khiến các đoàn tỉnh lẻ phải “choáng” khi mang đến dàn âm thanh trị giá đến 14 tỷ đồng, điều mà các đoàn nhỏ có mơ cũng chẳng dám thấy. Nhưng càng “choáng” hơn khi Giám đốc Quốc Hùng đã vô tư cho các đoàn diễn sau đó mượn dàn âm thanh để biểu diễn. Có dàn âm thanh “xịn”, các nghệ sĩ phấn khởi tinh thần, hiệu ứng của vở diễn vì thế cũng tăng lên.
Đã bước vào một sân chơi có thi thố, có giải thưởng, huy chương, so kè với nhau từng điểm một, thì chuyện “tiếp tay” cho đối thủ quả là một chuyện lạ. Vậy mà chuyện lạ ấy vẫn xảy ra một cách hồn nhiên, vô tư tại liên hoan. Ông Quốc Hùng cũng gạt đi khi nhắc đến chuyện này bởi “có gì đâu, cùng là nghệ sĩ với nhau hết mà!”.
Hà Lam