Báo Đồng Nai điện tử
En

Phản ứng chậm

09:11, 13/11/2012

Thông tin về việc ông Phạm Đức Bình  với tư cách Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đang mời luật sư tham vấn để có thể khởi kiện về bán phá giá đối với nhập khẩu gà bởi điều này làm cho ngành chăn nuôi gà trong nước bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều chủ trang trại bị phá sản.

Thông tin về việc ông Phạm Đức Bình  với tư cách Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đang mời luật sư tham vấn để có thể khởi kiện về bán phá giá đối với nhập khẩu gà bởi điều này làm cho ngành chăn nuôi gà trong nước bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều chủ trang trại bị phá sản. Thực tế, hành động này chỉ như “một giọt nước làm tràn ly”! Bức xúc của giới chăn nuôi gà trong nước, đặc biệt là ở miền Đông Nam bộ về tình trạng sản phẩm gà (đùi, cánh) và gà nguyên con đông lạnh (loại gà mái bị thải loại) được nhập vào Việt Nam ê hề đã diễn ra trong một thời gian khá dài trước thái độ phản ứng rất thụ động của các bộ, ngành có thẩm quyền và đơn vị liên quan về cấp phép nhập khẩu và kiểm dịch tính an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Chỉ trong 9 tháng của năm 2012, Việt Nam đã nhập khoảng 52.600 tấn thịt gà. Chưa kể, mỗi ngày có đến 100-300 tấn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam, trong đó đa phần là gà thải loại, theo đường biên giới phía Bắc (báo cáo của Cục Chăn nuôi tại hội nghị phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm và gia cầm nhập lậu tổ chức ngày 26-10).

Ông Bình cho biết, giá gà trắng của các trang trại nếu tính đúng giá thành phải  bán ra trên 30 ngàn đồng và gà tam hoàng là 35 ngàn đồng/kg hơi, nhưng nhiều trang trại trong tỉnh gần 1 năm nay, giá gà thịt thường xuyên bán dưới giá thành từ 8-15 ngàn đồng/kg, khiến người nuôi bị thua lỗ nặng. Trong khi đó các sản phẩm đùi gà, cánh gà và gà nguyên con đông lạnh được nhập khẩu vào Việt Nam cộng cả thuế chưa đến 20 ngàn đồng/kg! Đồng thời, có hiện tượng doanh nghiệp đã nhập khẩu sản phẩm gà gần hết hạn sử dụng và gà loại thải để có giá rất rẻ. Trong khi đó, việc tồn dư thuốc thú y hay các phụ phẩm bảo quản cho sản phẩm gà và gà nguyên con rất đáng lo cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều nước trên thế giới đã cấm bán gà thải loại cho người sử dụng, chỉ được phép làm thức ăn cho chăn nuôi.

Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, có khoảng 300 hộ gia đình ở miền Đông sở hữu 1 ngàn trại, chiếm tới 90% tổng đàn gà trong vùng, đang nuôi gia công mỗi tuần 1,5 triệu con gà trắng công nghiệp cho 3 công ty: C.P, Emivest và Japfa. Chỉ tính các tỉnh miền Đông, vốn nằm trong các trại gà đã lên tới 2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh nuôi gà lớn nhất cả nước lên đến gần 10 triệu con gà trắng/tuần.

Tình hình trên kéo dài do không thể cạnh tranh với gà và thịt gà nhập khẩu với giá quá rẻ làm người chăn nuôi ở khu vực miền Đông, nhất là Đồng Nai buộc phải giảm đàn khoảng 30% do thua lỗ nặng.  Đến như các “đại gia” về nuôi gà có vốn nước ngoài cũng phải lao đao, như: Công ty C.P Việt Nam đang lỗ 72 tỷ đồng/tháng, Emivest lỗ 60 tỷ đồng/tháng, Japfa lỗ 48 tỷ đồng/tháng.

Chuyện người nuôi gà bị thua lỗ nặng vì nhập khẩu gà giá rẻ ầm ĩ trong cả nước nhưng các bộ, ngành, Trung ương và các đơn vị liên quan tỏ ra phản ứng chậm là điều rất đáng trách.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều