Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra trên địa bàn Đồng Nai ngày càng được sự ủng hộ sâu rộng, từ thành thị đến nông thôn. Các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” và “Phiên chợ vui công nhân” hàng năm đã thu hút sự quan tâm của nông dân nhiều địa phương và công nhân - lao động tại các khu công nghiệp.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra trên địa bàn Đồng Nai ngày càng được sự ủng hộ sâu rộng, từ thành thị đến nông thôn. Các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” và “Phiên chợ vui công nhân” hàng năm đã thu hút sự quan tâm của nông dân nhiều địa phương và công nhân - lao động tại các khu công nghiệp.
Đáng tiếc là có chương trình bán hàng Việt do nhà tổ chức yếu kém năng lực và vì thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã gây ra bức xúc trong công nhân - lao động và các doanh nghiệp có tên tuổi khi tham gia vào chương trình này. Mới đây nhất, phiên chợ vui công nhân ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 do một công ty ở TP. Hồ Chí Minh “huy động“ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với mức phí lên đến gần 5 triệu đồng/gian hàng (có thuế VAT). Vì tin tưởng vào việc tổ chức các phiên chợ vui công nhân trước đây, nhiều doanh nghiệp tham gia lần này đã chưng hửng và tỏ ra bất bình bởi cách thức tổ chức lộn xộn, nhiều loại hàng hóa rẻ tiền, không rõ xuất xứ được bày bán công khai… Phiên chợ dự kiến sẽ kéo dài trong 5 ngày thì mới sang hết ngày thứ 2, đơn vị tổ chức đã yêu cầu phải dọn hàng, trả lại mặt bằng làm cho nhiều doanh nghiệp “dở khóc, dở cười“! Cụ thể, một số doanh nghiệp tham gia phiên chợ lần này có chương trình tặng hàng ngàn phiếu giảm giá cho công nhân với thời gian khuyến mãi trong 5 ngày nhưng nay lại sớm lẳng lặng “dẹp chợ” mà không hề có một thông báo chính thức nào được đưa ra.
Còn nhớ cuối năm 2010, tại TP.Biên Hòa cũng đã có một hội chợ triển lãm với cái tên rất kêu là “Tôn vinh hàng Việt”, thế nhưng người tiêu dùng đã ngỡ ngàng khi trong hội chợ này bày bán nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có sản phẩm tiêu dùng rẻ tiền của Trung Quốc hoặc không rõ chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Sẽ là sai lầm nếu ai đó nghĩ rằng việc tổ chức hội chợ hàng Việt về nông thôn hoặc phiên chợ vui công nhân là cơ hội để bán tống những hàng hóa tồn kho, hàng rẻ tiền hoặc sắp hết hạn sử dụng. Việc định hướng tiêu dùng hàng Việt cho người Việt cần phải có một nhận thức và thái độ đúng đắn, tôn trọng người tiêu dùng. Trên thực tế, hiện nay nhiều người lao động, thu nhập thấp vẫn có nhu cầu xài hàng bình dân, rẻ tiền, nhưng không phải đó là loại hàng hóa không rõ xuất xứ và chất lượng không đảm bảo, thậm chí có thể gây nguy hại cho người dùng. Hàng Việt “tử tế” vẫn có thể đáp ứng kênh tiêu dùng bình dân này. Do vậy, cần phải chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa hàng Việt để đưa những hàng “dỏm”, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
Xuân Phú