Đúng vào mùa cao điểm “hút vốn” quý IV năm nay, thông tin về nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất huy động đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Đúng vào mùa cao điểm “hút vốn” quý IV năm nay, thông tin về nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất huy động đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Có ý kiến cho rằng, đây là một thông tin “tốt” nếu xét về góc độ các NHTM. Vì khác với mọi năm vào thời điểm này, các NHTM thường lo sốt vó về tính thanh khoản nên phải “chạy đua” tăng lãi suất để tăng nguồn vốn huy động và đảm bảo nhu cầu cung ứng vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bao trùm lên thông tin về NHTM hạ lãi suất rơi đúng vào mùa làm ăn là sự lo lắng, bởi việc hạ lãi suất này không xuất phát từ phía NHTM chủ động được nguồn vốn kinh doanh hay do tác động bởi chính sách tiền tệ, tín dụng của Nhà nước mà thực chất là vì “sức khỏe” của nền kinh tế suy giảm, khả năng hấp thụ vốn yếu kém. Nói cách nào đó là sản xuất, kinh doanh và sức mua trên thị trường đang có “vấn đề” khá nghiêm trọng.
Bình luận về việc NHTM giảm lãi suất huy động vào mùa cao điểm làm ăn cuối năm, nhiều giám đốc chi nhánh NHTM lớn trên địa bàn Đồng Nai đều cho rằng, đây là hiện tượng bất bình thường, lần đầu tiên xuất hiện so với hàng chục năm qua và rất đáng lo ngại! Là vì, thông thường quý IV hàng năm các doanh nghiệp sản xuất bước vào cuộc chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch năm hoặc phải tất tả cho đợt hàng xuất khẩu đầu năm mới. Với các đơn vị kinh doanh thì phải lo dự trữ hàng hóa bán vào dịp lễ, tết - mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Cuối năm cũng vào vụ thu hoạch của nhiều loại nông sản lớn, như: điều, cà phê…, do vậy các doanh nghiệp chế biến hàng nông sản xuất khẩu phải mua dự trữ nguyên liệu. Nếu như mọi việc trên đều diễn biến một cách bình thường thì nhu cầu vốn phải tăng lên rất mạnh, không thể có chuyện nguồn vốn tín dụng trên thị trường giảm. Các NHTM không lo áp lực về thanh khoản và giảm lãi suất huy động vào mùa cao điểm cuối năm nay là vì sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp, mãi lực trên thị trường kém, hàng tồn kho lớn, xuất khẩu rớt giá, khó khăn… dẫn đến nhu cầu vốn đang giảm lớn. Đã vậy, không ít doanh nghiệp “đại gia” kinh doanh đa ngành, đầu tư vào bất động sản đang ẩn chứa rủi ro rất lớn, như một người mắc bệnh hiểm nghèo không biết có vượt qua nổi hay không?
Hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu, kích cầu sức mua trên thị trường để giải phóng hàng tồn kho đang là những yêu cầu hết sức bức thiết, đòi hỏi sự xắn tay đồng bộ của các cấp, các ngành để chuyện làm ăn của các NHTM không rơi vào tình cảnh bất bình thường như hiện nay.
Xuân Phú