So với nhiều vị Bộ trưởng khác phải đăng đàn trả lời chất vấn trong kỳ họp lần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình thực sự là một “nhà hùng biện” khi trả lời rất mạch lạc, rõ ràng các câu hỏi ở nghị trường.
So với nhiều vị Bộ trưởng khác phải đăng đàn trả lời chất vấn trong kỳ họp lần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình thực sự là một “nhà hùng biện” khi trả lời rất mạch lạc, rõ ràng các câu hỏi ở nghị trường.
Nhưng, như thế không có nghĩa là các đại biểu (ĐB) Quốc hội và cử tri cả nước hài lòng. Một trong những điều khiến các ĐB bức xúc hỏi đi hỏi lại là vì sao giá vàng thế giới chênh lệch với giá vàng trong nước quá lớn kể từ khi NHNN áp dụng Nghị định 24 (NĐ - về quản lý thị trường vàng) và chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Dù giải thích nhiều, nhưng rõ ràng câu trả lời rất mâu thuẫn. Trước đó, Thống đốc nói chỉ cần giá thế giới và trong nước chênh lệch 400 ngàn, giới đầu cơ lập tức gom ngoại tệ mua vàng buôn lậu qua biên giới kiếm lời, khiến tỷ giá biến động và nhập siêu tăng nóng. Chính vì vậy mà NĐ 24 mới phải ban hành. Tuy nhiên, sau khi có NĐ, vào các thời điểm “nóng”, mức chênh nhảy lên đến 4 triệu đồng/lượng, và không chỉ chênh với giá thế giới, mà ngay cả các thương hiệu vàng miếng khác cũng thấp hơn một khoảng cách tương tự với vàng miếng SJC. Khi bị “xoáy”, Thống đốc lại cho rằng: “chẳng có văn bản luật nào quy định vàng là mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá cả”, và “không cần phải liên thông giá vàng trong nước và thế giới”. Thật khó hiểu!
Nếu Thống đốc biết rằng, hàng triệu người dân Việt Nam đã và đang chọn vàng làm một trong những phương tiện cất giữ tài sản (không phải buôn bán đầu cơ) khi kinh tế phập phù, nếu Thống đốc biết rằng hàng triệu gia đình tặng vàng cho con trong các dịp trọng đại của cuộc đời như một món bảo hiểm cho cuộc sống thì chắc đã không cho rằng vàng “không thiết yếu, không cần bình ổn giá”. Và nếu “không cần liên thông giá” mà vẫn cứ để giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau 3-4 triệu đồng, thì khi người dân mua vàng vào lúc giá trong nước cao (chưa liên thông) và bán ra lúc giá hạ (đã liên thông), thì ai là người chịu thiệt? Những người theo dõi phiên chất vấn ở Nghị trường ngày 13-11 đều thấy rõ rằng, Thống đốc rất đề cao NĐ 24 và đưa ra hàng loạt lý lẽ bảo vệ tính đúng đắn của NĐ này. Song thực tế, sau hơn 5 tháng áp dụng, cái “được” chưa nhiều, mà sự hỗn loạn của thị trường thì thậm chí còn rất trầm trọng.
Phút cuối cùng dành cho thời gian đặt câu hỏi, mặc dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thông báo đã hết giờ, nhưng ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) vẫn xin thêm một phút để chất vấn lần 2. Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bức xúc hỏi, liệu Thống đốc có thực hiện Nghị quyết của QH hay không: “Vì sao trong Nghị quyết 21 (năm 2011) của Quốc hội ghi phấn đấu không để giá vàng chênh lệch với giá thế giới. Nghị quyết mới vừa thông qua cũng nêu phải khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng trong nước, liên thông với giá vàng quốc tế, đảm bảo quyền và lợi ích về tài sản của người dân… Thống đốc có thực hiện nghị quyết của Quốc hội hay không?”. ĐB Tuyết cũng nói thẳng: “Thống đốc đừng tưởng dân không biết gì”.
Và, một phút thêm của ĐB Trần Du Lịch cũng có câu kết luận chua xót của một chuyên gia kinh tế đầy tâm huyết: “Tôi đồng tình với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, nhưng với những gì Thống đốc trả lời thì cách mà NHNN đang làm là tiêu diệt thị trường vàng”.
Kim Ngân