Vừa qua, tôi có dịp đi công tác tại một tỉnh duyên hải miền Trung. Khi vào các quán ăn ở đây, tôi để ý thấy tất cả đều khá sạch sẽ, không có tình trạng khách đến ăn xả rác, vứt giấy lau miệng, vỏ chanh, cọng rau xuống sàn nhà như thường thấy.
Vừa qua, tôi có dịp đi công tác tại một tỉnh duyên hải miền Trung. Khi vào các quán ăn ở đây, tôi để ý thấy tất cả đều khá sạch sẽ, không có tình trạng khách đến ăn xả rác, vứt giấy lau miệng, vỏ chanh, cọng rau xuống sàn nhà như thường thấy. Thi thoảng có vài vị khách vô ý làm vương vãi rác trên sàn, lập tức nhân viên phục vụ đến nhặt ngay và cho vào giỏ rác. Tò mò, tôi hỏi chuyện bà chủ quán. Bà vui vẻ cho biết, sở dĩ phải giữ vệ sinh trong quán ăn là do chủ trương của địa phương nhằm tạo sự an tâm, thu hút, giữ chân khách du lịch.
Cách làm của địa phương như sau: ban đầu tập hợp các chủ cửa hàng ăn uống đến vận động, giải thích, tập huấn và đề nghị các nơi ký cam kết giữ vệ sinh. Bước kế tiếp là các cơ quan chức năng đi kiểm tra, nhắc nhở những nơi chưa chấp hành đúng cam kết. Cuối cùng, là tiến hành phạt nặng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh những cửa hàng vi phạm nhiều lần, không khắc phục, để xảy ra tình trạng mất vệ sinh nơi ăn uống công cộng. Muốn không bị phạt, các chủ cửa hàng phải thường xuyên vận động, nhắc nhở khách đến ăn uống không xả rác, cho nhân viên dọn ngay nếu khách vô tình vứt rác tại nơi ăn uống. Lâu dần, không những nhân viên có nề nếp giữ vệ sinh chung trong cửa hàng mà khách hàng cũng quen dần, không còn thói quen xả rác bừa bãi. Hàng quán các nơi nhờ vậy mà đồng loạt đều sạch sẽ, khách địa phương hay vãng lai đều hài lòng, yên tâm khi đến ăn uống.
Từ cách làm của địa phương trên, mới nhìn lại thực trạng của Đồng Nai hiện nay. Thực chất, Đồng Nai là một trong các tỉnh, thành rất quan tâm đến vấn đề môi trường. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2012, ở lĩnh vực môi trường, toàn tỉnh đã xây dựng được 9 khu xử lý chất thải ở các huyện, hoàn thành 4 trạm quan trắc và 2 trạm khí để tự động phân tích môi trường. Trong 26 KCN đang hoạt động, đã có 24 KCN xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung, chỉ còn lại 2 KCN Thạnh Phú và Ông Kèo là đang khởi công thực hiện, dự kiến hoàn thành vào quý I-2013.
Như vậy, trong thực tế Đồng Nai đã thực hiện được không ít những vấn đề lớn, khó khăn để góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng trở lại câu chuyện giữ gìn vệ sinh chung tại các điểm kinh doanh ăn uống, so sánh với những vấn đề lớn mà tỉnh đã làm được, thì rõ ràng đây chỉ là một góc nhỏ của môi trường; cách thực hiện cũng không khó khăn, ít tốn kém nhưng hiệu quả đạt được có ý nghĩa rất lớn: không chỉ giữ gìn được vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo bộ mặt, cảnh quan chung cho cả địa phương để thu hút khách du lịch, mà còn dần tạo ra một thói quen, nếp sống, ứng xử văn hóa chung cho cả cộng đồng.
Vì vậy, việc vận động người dân không xả rác tại các nơi ăn uống chỉ là câu chuyện nhỏ, nhưng sẽ gây được tác động lớn trong cộng đồng nếu như được chính quyền thực hiện một cách nghiêm túc.
Hà Lam