Mới đây, cán bộ công tác tại một phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đã phát hiện hai hồ sơ xét nghiệm HIV có tên, tuổi, địa chỉ đều của cùng một người, nhưng lại có hai kết quả khác nhau: một dương tính và một âm tính với HIV.
Mới đây, cán bộ công tác tại một phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đã phát hiện hai hồ sơ xét nghiệm HIV có tên, tuổi, địa chỉ đều của cùng một người, nhưng lại có hai kết quả khác nhau: một dương tính và một âm tính với HIV.
Lần theo địa chỉ, cán bộ này gặp được cô gái có tên tuổi trên. Sau một lúc tìm hiểu, cô gái cho biết để chuẩn bị kết hôn, theo yêu cầu của gia đình chồng, cô và bạn trai đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và xét nghiệm HIV. Kết quả, bạn trai của cô không nhiễm, còn cô thì nhiễm HIV. Sợ bạn trai không cưới, nên cô đã nảy ý định nhờ một người bạn gái lấy tên tuổi mình đi xét nghiệm để lấy bằng được kết quả không bị nhiễm. Hiện chuyện cưới xin của hai người đã được gia đình hai bên chuẩn bị, nên cô gái yêu cầu cán bộ này không thông báo kết quả trên cho gia đình cô, nhất là cho bạn trai, vì tình yêu cô dành cho chồng sắp cưới rất nhiều và cô không thể sống thiếu anh ấy.
Chuyện những bạn trẻ biết chuẩn bị cho hành trình hôn nhân của mình bằng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là một tiến bộ. Nhưng việc giấu kết quả đã nhiễm HIV để kết hôn bằng được không chỉ là việc dối lừa người bạn đời của mình, mà còn là hành vi lây truyền HIV nguy hiểm. Một khi người vợ nhiễm HIV đã giấu chuyện mình bị lây nhiễm, chắc chắn sẽ chẳng có lý do gì để cô dùng biện pháp bảo vệ trong các lần quan hệ với chồng. Như thế, người bạn đời của cô rồi cũng bị nhiễm và những đứa con sinh ra cũng sẽ bị lây truyền HIV từ mẹ. Chi bằng, cô gái hãy cam đảm đối mặt với sự thật để được sự thông cảm của bạn trai, để được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm. Bởi thực tế, vẫn có những trường hợp chồng hoặc vợ nhiễm HIV, quan hệ tình dục và sinh con mà vẫn không làm lây nhiễm HIV cho con và chồng hoặc vợ mình.
Thuận Thắng