Giữa tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) sau gần 3 năm hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế.
Giữa tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) sau gần 3 năm hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế. Cùng với việc kết thúc thí điểm 2 tập đoàn, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thành lập Tổng công ty Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Đà trước đây. Đồng thời thành lập Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ - Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị và các đơn vị thành viên của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị trước đây…
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho rằng: “Thí điểm có thể thành công, có thể không. Nếu không thành công phải kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh”. Cũng theo ông Muôn, vào tháng 12-2011, khi Chính phủ tổng kết thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế đã nhận thấy, 2 tập đoàn xây dựng đã không đạt được mục tiêu đề ra khi thành lập là hình thành các tập đoàn xây dựng lớn, trở thành tổng thầu, chi phối lĩnh vực bất động sản, các tổng công ty chọn làm nòng cốt không thực hiện được vai trò nòng cốt. Thực tế quản lý, phát triển và hiệu quả sản xuất - kinh doanh đặt ra yêu cầu không nên tiếp tục duy trì 2 tập đoàn này.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng việc dừng thí điểm thành lập 2 tập đoàn trên là cần thiết nhưng đó là một bước lùi vì sau chục năm thực hiện sắp xếp và đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có việc tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” cần tách bạch giữa quản lý Nhà nước ( bộ hay sở chủ quản) với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Thì nay, các DNNN lại được giao về cho Bộ Xây dựng quản lý. Đây là một trong những vấn đề vướng mắc lớn từ trước đến nay.
Thực tiễn đổi mới và phát triển DNNN trong hơn 10 năm qua đã đi được một bước khá dài, tuy vậy hiệu quả đem lại vẫn chưa như mong đợi. Theo Bộ tài chính, từ năm 2001 đến nay cả nước đã sắp xếp 5.857 DNNN, trong đó cổ phần hóa gần 4 ngàn doanh nghiệp. Kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã được Bộ Tài chính xác định 899 DNNN, trong đó sẽ cổ phần hóa nhiều tập đoàn và tổng công ty lớn.
DNNN phải nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả và vị thế của mình trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Đó là một yêu cầu bức thiết và đây cũng là một trong những nội dung của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XI) lần này thảo luận về đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”.
X.Phú