Nhiều năm qua, trên nhiều đoạn đường ở nội ô TP.Biên Hòa và trên các quốc lộ (QL)1, 20 và 15 đi qua Đồng Nai hễ có mưa lớn là nước tràn lên ngập mặt đường, gây ách tắc giao thông.
Nhiều năm qua, trên nhiều đoạn đường ở nội ô TP.Biên Hòa và trên các quốc lộ (QL)1, 20 và 15 đi qua Đồng Nai hễ có mưa lớn là nước tràn lên ngập mặt đường, gây ách tắc giao thông. Riêng ở Biên Hòa ngày càng có nhiều “điểm đen” ngập lụt, như: các phường Tân Mai, Tam Hiệp, Bình Đa, Trảng Dài, Long Bình, vòng xoay Biên Hùng, khu vực Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất… Đâu chỉ trong nội ô Biên Hòa, nhiều quốc lộ huyết mạch cũng xảy ra ngập lụt cục bộ, như: QL20 đoạn đi qua các xã vùng Kiệm Tân (huyện Thống Nhất), QL51 đoạn qua xã Phước Tân và QL1 đoạn ở cầu Suối Linh.
Nước mưa ngập mặt đường không chỉ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông mà còn là nguyên nhân đáng sợ làm cho chất lượng mặt đường giảm xuống rất nhanh. Có thể thấy đoạn QL20 đi qua vùng Kiệm Tân vốn đã bị xuống cấp nhưng còn bị tác động trực tiếp bởi nước xoáy và ngập làm cho mặt đường trở nên nham nhở, lồi lõm, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Đáng lo như QL51 đang được đầu tư cả ngàn tỷ đồng để nâng cấp và mở rộng nhưng đường chưa chính thức hoàn thành thì mặt đường đã xuất hiện “điểm đen” về ngập úng tại khu vực xã Phước Tân, Long Bình Tân…
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng có thể đổ tại thiên tai ngoài khả năng phòng ngừa, nên lâm vào tình huống bất khả kháng. Thế nhưng, chỉ cần một trận mưa là nước đã tiêu thoát không kịp, gây ngập mặt đường bởi nguyên nhân việc khai thông cống rãnh, nhất là việc nạo vét giải tỏa những dòng suối bị bồi lắp, bị lấn chiếm không làm kịp thời thì đấy là lỗi chủ quan, là trách nhiệm của các cấp, ngành có liên quan. Điển hình như, dự án suối Săn Máu có ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát nước cho nhiều phường nội ô Biên Hòa nhưng hơn 10 năm qua vẫn chưa xong! Hay như QL20, nếu được nâng cấp kịp thời thì việc xử lý đường cống thoát nước hai bên đường cũng sẽ được tốt hơn. Riêng Biên Hòa, hệ thống thoát nước đã cũ kỹ và quá tải so với tốc độ xây dựng nhà cửa, các công trình rất nhanh và có không ít diện tích ao hồ, lòng suối đã bị san lấp trong hàng chục năm qua khiến cho ngập úng gia tăng. Để thoát được “nợ” này, có lẽ người dân vùng ngập úng vẫn còn phải mòn mỏi, trông chờ dài cổ?
Không biết đến bao giờ cám cảnh cứ vào mùa mưa hàng năm là người dân và ngành giao thông phải vái thầm xin đừng bị ngập lụt mặt đường để không bị phiền toái trong cuộc sống, đi lại của nhân dân, đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng mặt đường.
X. Phú