1. Cậu học trò lớp 5 vừa đi học về đến nhà là vòi vĩnh mẹ thưởng tiền vì hôm nay được cô cho tới 3... điểm 10.
1. Cậu học trò lớp 5 vừa đi học về đến nhà là vòi vĩnh mẹ thưởng tiền vì hôm nay được cô cho tới 3... điểm 10. Mẹ la: “Ngày nào cũng 2, 3 điểm 10, đòi tiền mẹ thì lấy đâu mà cho!”. Thì ra, chị hứa với con cứ được 1 điểm 10 sẽ thưởng cho 10 ngàn đồng. Chị bảo làm vậy để khuyến khích cháu học giỏi hơn, nhưng bây giờ thầy cô cho điểm “rẻ” quá. Hầu như ngày nào cháu cũng được 1, 2 điểm 10 nên muốn rỗng túi với con.
Cháu nói, ở lớp, được điểm 8, 9 là bị bạn bè trêu chọc, chê học dở. Tôi hỏi, Tập làm văn con có được điểm 10 không? Cháu trả lời rằng, toàn được 10, lớp hiếm bạn nào được 7, 8. Cô cứ cho chép và học thuộc văn mẫu, tới giờ kiểm tra là viết y chang. Tôi nghe bỗng giật mình. Lâu nay dư luận hay thầy cô đều lên tiếng than phiền học sinh ngày càng viết văn theo khuôn mẫu, sáo rỗng quả là không sai. Đó phải chăng là hậu quả của cách dạy văn thiên về dạy... chép mẫu?
2. Đứa cháu học lớp 3 rất giỏi Toán, nhưng học Tiếng Việt thì viết chữ không cẩn thận, viết ẩu, thường không đẹp. Vậy mà cháu luôn được điểm tuyệt đối. Mẹ cháu nói, con được điểm cao mà kém vui vì cô chấm nới tay quá. Cái chính là sức học của cháu kìa, chấm vậy cháu đâu còn hướng phấn đấu. Có khi con trẻ sinh ra chủ quan thì tai hại vô cùng. Phải là điểm thực chất phụ huynh mới biết được con mình đang ở đâu, học tới mức nào để còn điều chỉnh, chỉ dẫn, kèm cặp chúng. Thực ra, trình độ cháu chỉ đạt loại khá nhỉnh hơn một chút là cùng.
3. Từ năm học 2009-2010, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 32 /2009/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học với mục đích là đánh giá toàn diện và theo sự tiến bộ của học sinh. Theo đó, chỉ lấy điểm thi cuối học kỳ 2 làm căn cứ để xếp loại học lực học sinh cả năm học. Mục đích của việc đánh giá là tích cực, thế nhưng khá nhiều giáo viên nghĩ điểm kiểm tra hàng tháng không đưa vào tính điểm nên cho đề bài kiểm tra hay bài tập rất nhẹ nhàng. Chủ yếu giáo viên ra những dạng đã học, nếu cho khác đi là các em lúng túng nên không phát triển được tư duy, sự sáng tạo của các em. Nhiều giáo viên đã “phóng tay” cho điểm kiểm tra thường xuyên hàng tháng và điểm hàng ngày một cách quá dễ dãi trong khi chương trình vẫn được coi là rất nặng nề.
Hơn nữa, vì bệnh thành tích, điểm số nên ở các kỳ thi (kể cả kỳ thi quan trọng cuối học kỳ 2), giáo viên cũng khá nhẹ tay trong việc chấm điểm dẫn tới thực trạng tỷ lệ học sinh giỏi là con số cao “ngất trời” (có nơi gần 100%), học sinh yếu lại quá hiếm và hầu như không có. Nhiều trường lên lớp thẳng 100% mà có không ít học sinh làm Toán chưa thông, đọc chữ chưa chạy, lớp 5 còn chưa thuộc bảng cửu chương...
Hồng Đào