Báo Đồng Nai điện tử
En

Gas thật “thua“ gas giả!

08:10, 16/10/2012

Thông tin “hót” trên các báo tuần qua là về Tập đoàn Shell (Hà Lan) sau hơn 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam đành nói lời chia tay sau khi đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho một doanh nghiệp.

Thông tin “hót” trên các báo tuần qua là về Tập đoàn Shell (Hà Lan) sau hơn 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam đành nói lời chia tay sau khi đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho một doanh nghiệp. Vấn đề này được người tiêu dùng trong nước rất quan tâm. Thời buổi kinh tế thị trường, chuyện một nhà đầu tư nước ngoài đến rồi đi, hoặc mua bán, chuyển nhượng cổ phần là điều hết sức bình thường. Thế nhưng cái sự không bình thường là ở chỗ: không chỉ có Shell là thương hiệu nổi tiếng toàn cầu kinh doanh trên thị trường tiêu dùng gas ở Việt Nam có tiềm năng lớn, mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%/năm mà trước đó còn có Mobil Unique Gas (Mỹ) và BP Gas (Anh) cũng đã rời ở thị trường Việt Nam. Điều gì đã xảy ra?

Trong nhiều năm qua, thị trường trong nước đã xảy ra nhan nhản các vụ sản xuất gas giả, sang chiết gas lậu. Cuộc chiến đấu giành giật thị trường giữa gas thật với gas giả nhãn hiệu đã diễn ra khá quyết liệt. Tất nhiên, trong kinh doanh, kẻ làm gas giả bao giờ cũng có những “lợi thế” nhất định, như: giá bán mềm hơn gas thật, không mất công sức, tiền của xây dựng thương hiệu, trốn được thuế…

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, tính đến giữa năm 2012, các doanh nghiệp gas đầu mối trong cả nước đã cung cấp ra thị trường khoảng 10 triệu vỏ bình gas. Trong số này có khoảng 300-400 ngàn vỏ bình gas rơi vào tay các cơ sở sang chiết gas lậu. Gas nhái nhãn hiệu không chỉ làm nhỏ lẻ mà có những người còn đầu tư dây chuyền sản xuất theo quy mô công nghiệp. Điển hình như tại Đồng Nai, vào đầu tháng 5 -2012, công an đã bắt quả tang Công ty TNHH gas Việt và Công ty TNHH gas Hằng (đều đóng tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) tổ chức sang chiết gas trái phép với quy mô lớn, làm giả nhiều nhãn hiệu gas nổi tiếng. Khoảng 1.300 bình gas (loại 12kg và 45kg) đã được thu giữ ở 2 công ty này.

Các doanh nghiệp sản xuất gas thật đã vận dụng mọi cách thức nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu của mình  nhưng cũng đành bất lực trước một thị trường bát nháo “thật, giả” lẫn lộn. Các vụ việc sang chiết gas lậu, sản xuất gas giả được các cơ quan pháp luật phát hiện, xử lý không thấm vào đâu! Cho dù hành vi này không chỉ vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả mạo về nhãn hiệu hàng hóa mà còn gây mất an toàn cho người sử dụng.

Khi chỗ đứng của người làm ăn chân chính ngày càng bị thu hẹp, thị trường cạnh tranh không lành mạnh bị lấn át bởi nạn sản xuất gas giả, làm lậu thì sự ra đi của doanh nghiệp là điều đương nhiên, kinh doanh gas là một ví dụ. Rốt cuộc người tiêu dùng chịu thiệt vì luôn phải phập phồng với hiểm họa không an toàn của bình gas giả.

Xuân Phú

 

 

Tin xem nhiều