Thời hội nhập toàn cầu, doanh nhân được ca ngợi, ví von như “chiến sĩ thời bình”.
Thời hội nhập toàn cầu, doanh nhân được ca ngợi, ví von như “chiến sĩ thời bình”. Quả đúng vậy, con đường khởi nghiệp và phát triển của một doanh nhân bao giờ cũng lắm gian nan, chuyện “lên voi, xuống chó” cũng bình thường, dù họ là những người đầy tâm huyết, mong ước làm ăn và làm giàu chính đáng để có nhiều cống hiến cho đất nước, xã hội. Hình ảnh những doanh nhân với tấm lòng thiện nguyện đóng góp công sức, tiền của cho các chương trình từ thiện, hoạt động nhân đạo ngày càng nhiều thêm.
Thực tế cuộc sống có nhiều biến động bất thường, do vậy doanh nhân phải lao tâm, khổ tứ với những tính toán trong làm ăn, phát triển doanh nghiệp, nhưng có khi vẫn đành ngậm ngùi nói lời “biệt ly” với thương trường. Trong mấy năm qua do bị tác động bởi kinh tế thế giới suy thoái và lạm phát trong nước, con số hàng chục ngàn doanh nghiệp trong nước “biến mất” đã nói lên sự khắc nghiệt của thương trường. Có không ít doanh nhân không gặp thời vận không chỉ mất trắng sản nghiệp mà có khi còn vướng vào con đường lao lý. Riêng ở Đồng Nai, báo cáo của Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, chỉ trong 9 tháng của năm 2012 đã có 60 doanh nghiệp nộp hồ sơ giải thể, 56 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp xin tạm ngưng kinh doanh và gần 50 chi nhánh, văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động. So với cả nước, con số trên tuy không nhiều nhưng cũng nói lên tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, Chính phủ và các tỉnh, thành cũng đã có những chính sách, cơ chế thông thoáng hơn nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại doanh nghiệp, doanh nhân, như: giãn thời hạn nộp thuế, thực hiện tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quan, thuế… Thế nhưng, nếu nhìn thẳng vào sự thật, không phải là đã hết sự ca cẩm, than phiền từ phía doanh nghiệp, doanh nhân. Nào là việc tiếp cận với tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp không dễ. Nào là chính sách hay thay đổi, thiếu nhất quán, nhiều khi đẩy doanh nhân vào chuyện… đã lỡ rồi! Đáng lo ngại nhất, là tình trạng có công khai nhưng không minh bạch nên mỗi khi doanh nhân muốn làm ăn tìm đến gõ cửa cơ quan công quyền thì đụng phải nhiều “ách tắc ngầm”, rất nhiêu khê và như ông bà ta nói: nếu muốn qua sông thì phải lụy đò! Chuyện phải chung chi, lót tay cho được việc hầu như khó tránh khỏi. Cũng theo khảo sát của Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp đã giảm xuống mức 40% trong năm 2011 sau khi vọt lên mức cao nhất là 51% vào năm 2009.
Có người nói, nếu ví doanh nhân như “chiến sĩ thời bình” thì khi xông pha ra thương trường, họ rất cần sự hậu thuẫn tốt từ hậu phương và công tác hậu cần. Nhưng đằng này, trước khi xông pha ra thương trường, doanh nhân Việt Nam cần phải vượt qua được cửa ải ngay từ hậu phương, đó là chính sách pháp luật, là thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh. Như vậy là hậu phương đã làm khó cho doanh nhân.
Chắc hẳn các doanh nhân sẽ cảm thấy hài lòng và thiết thực hơn khi có được một môi trường làm ăn minh bạch, bình đẳng, giảm hẳn phiền hà, nhũng nhiễu thay cho những ca ngợi cùng những lẵng hoa chúc mừng nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.
Xuân Phú