Báo Đồng Nai điện tử
En

Đâu là hàng Việt Nam?

10:10, 22/10/2012

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng lan tỏa sâu rộng trên mọi vùng miền đất nước.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng lan tỏa sâu rộng trên mọi vùng miền đất nước. Đến lúc này, lại phát sinh vấn đề thế nào là hàng Việt Nam khi có không ít người cho rằng, bất kỳ loại hàng hóa nào sản xuất trong nước cho dù đó là của nhà đầu tư nước ngoài cũng đều là hàng Việt! Chính vì nhận thức này, đã có không ít báo cáo cho rằng hàng Việt đã “phủ sóng”  trên toàn quốc với ước tính tỷ trọng hàng Việt trong cơ cấu các loại hàng hóa bày bán trong siêu thị và chợ truyền thống lên đến 90-95%?

Thoạt nghe, con số trên rất lạc quan. Trên thực tế, nếu loại trừ hàng hóa nhập khẩu thì hàng sản xuất của các doanh nghiệp ở trong nước không phân biệt chủ doanh nghiệp là ai thì hàng Việt có thể chiếm tỷ trọng lớn. Bởi hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu chính hãng hiện nay chỉ còn một số mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, xe hơi cao cấp hoặc là hàng rẻ tiền thẩm lậu qua biên giới phía Bắc. Trong khi đó, hàng nhập lậu ngày càng bị người tiêu dùng Việt tẩy chay do không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảm tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng…

Thế nhưng nếu ai đó cho rằng hàng Việt “phủ sóng” thị trường lên đến 90-95% thì e rằng cũng chưa thực sự hợp lý lắm. Bởi vì, trong số các loại hàng hóa sản xuất trong nước được gọi “hàng Việt” thì có khá nhiều các thương hiệu, nhãn hiệu của các tập đoàn đa quốc gia, ví dụ như các loại bột giặt, kem đánh răng, dầu gội đầu... Vậy nếu nói, đó là hàng Việt thì liệu có thể tạo dựng như một thương hiệu của Việt Nam không, khi tại nhiều nước Đông Nam Á và trên thế giới người ta nhận diện các thương hiệu này là của các ông chủ tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng, chắc chắn không ai nghĩ đó là hàng Việt Nam. Ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng đều biết rõ cái gọi là “hàng Việt” là của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Hàng Việt “thuần Việt”, vấn đề này nêu ra không phải để có sự phân biệt đối xử hay tính toán rạch ròi, nhưng cũng cần xác định đâu là thương hiệu, nhãn hiệu đích thị của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không thì rất nhiều loại “hàng Việt” có xuất khẩu ra nước ngoài thì người ta biết ngay đó không phải là của Việt Nam. Cụ thể như giày thể thao Nike, Adidas, hay hàng điện lạnh, điện tử Toshiba, Samsung... dù có được ghi trên sản phẩm “made in VietNam” thì ai cũng biết đó là thương hiệu nổi tiếng toàn cầu của Mỹ, Đức hay Nhật, Hàn Quốc... Và một khi các tập đoàn đa quốc gia này ngưng đầu tư ở Việt Nam thì cái gọi là “hàng Việt” kia cũng không còn ở trong nước nữa.

Khuyến khích sản xuất hàng tiêu dùng từ trong nước thay thế cho nhập khẩu là cần thiết. Song, thiết nghĩ cũng rất cần quan tâm để có định hướng cổ vũ cho hàng Việt một cách tích cực, góp phần xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu thuần Việt ngay cả trong nước lẫn xuất khẩu, điển hình như: Vinamilk, Vinacafé, Casumina, Minh Long...

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều