Sau 4 năm thực hiện đề án Kiên cố hóa trường lớp học nhằm xóa tình trạng trường lớp tạm bợ, học ca ba, đến nay trên địa bàn tỉnh, số trường học nằm trong danh mục cần được xây dựng chỉ mới thực hiện được già nửa.
Sau 4 năm thực hiện đề án Kiên cố hóa trường lớp học nhằm xóa tình trạng trường lớp tạm bợ, học ca ba, đến nay trên địa bàn tỉnh, số trường học nằm trong danh mục cần được xây dựng chỉ mới thực hiện được già nửa. Nhưng quan trọng hơn, trong 4 năm đó cơ sở vật chất của một số trường lớp khác không nằm trong chương trình lại tiếp tục xuống cấp.
Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú cho biết, ở huyện có nhiều trường không nằm trong danh mục chương trình kiên cố hóa nhưng hiện cơ sở vật chất đã quá xuống cấp. Trong trận lốc mạnh xảy ra vào đêm 9-9, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đã bị đổ tường, mái tôn bị cuốn bay gần hết, một số máy vi tính bị hư hỏng khiến gần 900 học sinh của trường phải tạm nghỉ học nguyên ngày 10-9 để nhà trường tiến hành sửa chữa gấp.
Song song với chuyện cơ sở vật chất xuống cấp, ở một số địa phương có đông lao động nhập cư, như: TP. Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh cũng đẩy nhanh tình trạng thiếu trường lớp học, học sinh phải học ca ba. Bước vào năm học 2012-2013, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng rất trăn trở trước con số ngay ở TP.Biên Hòa có 74 lớp học ca ba. Tại một số trường trọng điểm trong các phường nội ô TP. Biên Hòa, như Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, sĩ số học sinh lên đến 60-70 em/lớp, gấp đôi so với quy định. Ở Trường mầm non Họa Mi (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), năm học vừa qua còn được công nhận đạt chuẩn quốc gia với 30 em/lớp, thì năm nay buộc lòng phá chuẩn bởi mỗi lớp phải lên đến 45-47 em mới giải quyết hết số trẻ trong diện tạm trú. Thực chất, đây cũng là một dạng “học ca ba”, nên việc dạy và học đều bị giảm chất lượng. “Ở các xã Phước Thiền, Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch), nguy cơ học ca ba sẽ xảy ra trong khoảng 2-3 năm nữa nếu như không có sự chuẩn bị trường lớp ngay từ bây giờ”, ông Lê Minh Hoàng cảnh báo.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng căng thẳng chuyện thiếu trường lớp. Cụ thể như một số trường thuộc vùng sâu, vùng xa được ưu tiên xây dựng khá khang trang, nhưng do dân số ít nên chưa tận dụng hết công suất. Vì thế đã xảy ra một nghịch lý là ở các vùng đô thị sự đầu tư cho GD-ĐT lại không bằng các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vấn đề đặt ra hiện nay là đầu tư cho GD-ĐT không nên thực hiện theo kiểu “dàn hàng ngang”, địa phương nào cũng được cấp ngân sách đầu tư như nhau mà cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, những địa phương có đông công nhân, lao động nhập cư cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng để bảo đảm quyền được học, được đến trường và học có chất lượng.
Hà Lam