Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nông sản xuất khẩu “được mùa”

08:09, 25/09/2012

Số liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình nông sản xuất khẩu trong 8 tháng của năm nay xem ra khá lạc quan với nhiều mặt hàng xấp xỉ đạt và vượt con số 1 tỷ USD, trong đó có những “khuôn mặt” cũ, như: cà phê 1,26 triệu tấn với kim ngạch 2,68 tỷ USD, hạt điều 137 ngàn tấn, đạt khoảng 960 triệu USD…

Số liệu của Tổng cục Hải quan về tình hình nông sản xuất khẩu trong 8 tháng của năm nay xem ra khá lạc quan với nhiều mặt hàng xấp xỉ đạt và vượt con số 1 tỷ USD, trong đó có những “khuôn mặt” cũ, như: cà phê 1,26 triệu tấn với kim ngạch 2,68 tỷ USD, hạt điều 137 ngàn tấn, đạt khoảng 960 triệu USD…Bất ngờ với khoai mì và các sản phẩm từ khoai mì: xuất khẩu được hơn 3,2 triệu tấn, đạt gần 974,5 triệu USD, tăng 67,5% về lượng và gần 43% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.  Xuất khẩu nông sản tăng cao trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chưa thật ổn định, thị trường biến động bất thường là điều rất đáng mừng. Xuất khẩu nông sản “được mùa” cũng có nghĩa là nông dân phần nào hưởng lợi.

Tuy vậy, khi nước ta có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đã đạt tới đỉnh điểm thế giới thì cần phải bình tâm suy xét để có tầm nhìn cho một chiến lược nâng cao giá trị, vị thế của thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Ai cũng biết là cà phê, điều, tiêu… Việt Nam xuất khẩu đứng hàng thứ nhất, thứ nhì thế giới nhưng xem ra hầu hết là xuất thô, giá trị gia tăng thấp, trong khi các nước nhập về họ đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm tăng thêm giá trị gấp nhiều lần. Chỉ riêng cà phê, theo Hiệp hội cà phê- ca cao Việt Nam, nếu đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm chất lượng cao có thể tăng giá trị lên tới vài chục đến cả trăm USD/tấn. Ngay cả gạo Việt Nam, tuy có sản lượng xuất khẩu rất lớn (8 tháng của năm 2012 xuất khẩu 2,51 tỷ USD) nhưng xem ra giá trị chưa hơn các nước xuất khẩu gạo trong khu vực, điển hình như Thái Lan. Và cho dù vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam cao ngất ngưởng nhưng nhiều năm qua, nông dân vùng vựa lúa của cả nước ở đồng bằng sông Cửu Long luôn trong cảnh phập phồng về giá không ổn định và đời sống còn khó khăn. Tất nhiên, đầu ra còn phải phụ thuộc vào thị trường thế giới nhưng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung là chưa cao. Nói cách khác là, nông dân sản xuất ra nông sản xuất khẩu mới chỉ hưởng phần “gốc”, bao gồm: công sức lao động, chi phí đầu tư… còn phần tạo ra giá trị gia tăng thì dành cho nhà nhập khẩu.

Đứng về góc độ nhà chăn nuôi, ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cần phải điều chỉnh về chiến lược sản xuất nông sản trong nước để tăng hiệu quả cho nông dân và tăng giá trị xuất khẩu. Việt Nam đang đứng trước một nghịch lý là nước sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn trên  thế giới, nhưng ngành chăn nuôi trong nước hàng năm phải bỏ ra tiền tỷ USD để nhập khẩu bắp, khô dầu đậu nành…

Xuân Phú

 

 

 

Tin xem nhiều