Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi độc quyền “độc diễn”

09:09, 18/09/2012

Ai cũng biết, SJC là thương hiệu vàng miếng có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay. Và trên thực tế, diễn biến trên thị trường vàng mấy ngày qua cho thấy, thương hiệu vàng miếng này đang chứng tỏ sự độc quyền của mình, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “bật đèn xanh” cho SJC trở thành doanh nghiệp duy nhất được phép gia công vàng miếng.

Ai cũng biết, SJC là thương hiệu vàng miếng có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay. Và trên thực tế, diễn biến trên thị trường vàng mấy ngày qua cho thấy, thương hiệu vàng miếng này đang chứng tỏ sự độc quyền của mình, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “bật đèn xanh” cho SJC trở thành doanh nghiệp duy nhất được phép gia công vàng miếng.

Mới đây nhất, khi giá vàng đột ngột lên cao, SJC đã… xin NHNN cho phép sử dụng vàng trang sức làm nguyên liệu dập thành vàng miếng để đáp ứng “cơn khát” của thị trường, hạ nhiệt giá vàng. Trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 14-9, lãnh đạo Công ty SJC cho biết kiến nghị này đã được gửi đến NHNN từ đầu tuần nhưng chưa có văn bản trả lời. Theo Công ty SJC, nguồn vàng trong nước ngày càng khan hiếm, trong khi vàng nguyên liệu nữ trang thấp tuổi không sử dụng trên thị trường rất nhiều, giá lại rẻ. Nếu được dùng vàng nữ trang để làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng sẽ giúp tăng cung cho thị trường, đồng thời giảm cách biệt giữa giá vàng trong nước - thế giới. Thời điểm này cũng thuận lợi do giá vàng tăng cao, người dân mang nữ trang đến bán rất nhiều.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề đặt ra ở đây: Thứ nhất, vàng nữ trang xưa nay “mang tiếng” là vàng trôi nổi, thấp tuổi, khó kiểm soát chất lượng. Vậy ai sẽ là người chịu thiệt khi mua vàng miếng được sản xuất từ nguyên liệu thiếu đảm bảo? Thứ hai, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này sẽ tạo điều kiện “hợp thức hóa vàng lậu” đang trôi nổi trên thị trường, qua đó ảnh hưởng xấu đến tỷ giá.

Nhìn lại trước đó, mới thấy SJC nhiều lần sử dụng vị thế gần như độc quyền của mình trên thị trường vàng miếng để có những động thái gây thiệt thòi cho người tiêu dùng: không chấp nhận mua lại vàng cong, vênh của chính thương hiệu mình; không chịu mua lại các mẫu cũ do mình sản xuất và sau đó buộc người mua phải bù tiền để SJC chuyển đổi từ mẫu cũ sang mẫu mới… Có thể thấy rằng, gánh nặng luôn được đẩy về phía người tiêu dùng. Khi thị trường trầm lắng, lực mua yếu thì SJC từ chối mua vàng cong, vênh, móp méo… hoặc bắt người mua bù tiền để dập lại vì “nguồn lực doanh nghiệp có hạn”. Song khi giá vàng cao vọt, thị trường “nóng” trở lại, nhu cầu mua tăng thì đến… vàng trang sức cũng được SJC đề xuất dùng làm nguyên liệu sản xuất vàng. Mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong việc này là điều chưa biết có đạt hay không, song người ta không thể không nghĩ đến một nguyên nhân khác: thời điểm này, vàng SJC đang cao hơn giá thế giới và cao hơn các thương hiệu vàng miếng trong nước khác đến hơn 3 triệu đồng/lượng. Vậy nên, với nguồn nguyên liệu giá rẻ, cộng thêm giá bán chênh lệch lớn, mỗi lượng vàng SJC bán ra trong thời điểm này (nếu được NHNN chấp thuận) sẽ đem lại lợi nhuận không nhỏ mà ở thế độc quyền, người ta khó bỏ qua. Những diễn biến vừa qua trên thị trường “nhắc nhở” NHNN rằng, khi chọn một doanh nghiệp duy nhất sản xuất một mặt hàng thì phải có những biện pháp kiểm soát, điều chỉnh rất kịp thời và phù hợp, đặc biệt đối với vàng - thị trường vô cùng nhạy cảm và có sức ảnh hưởng cao.

Vi Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều