Thời gian gần đây, trên nhiều kênh truyền hình, kể cả trên Đài Truyền hình Việt Nam, xuất hiện nhiều chương trình “Tư vấn sức khỏe” với sự tham gia của các tiến sĩ y khoa, bác sĩ khá nổi tiếng.
Thời gian gần đây, trên nhiều kênh truyền hình, kể cả trên Đài Truyền hình Việt Nam, xuất hiện nhiều chương trình “Tư vấn sức khỏe” với sự tham gia của các tiến sĩ y khoa, bác sĩ khá nổi tiếng. Điều đáng nói là các chương trình tư vấn sức khỏe này có nội dung na ná nhau, đó là sau khi nói vòng vo về các triệu chứng bệnh lý, các vị thầy thuốc “khả kính” tham gia tư vấn cuối cùng sẽ chỉ đích danh loại thuốc nào, của công ty nào sản xuất cần phải uống để điều trị bệnh. Thậm chí chỉ một loại tân dược được nhiều kênh truyền hình cùng giới thiệu thông qua “Tư vấn sức khỏe”. Nhiều chương trình “Tư vấn sức khỏe” đánh rất trúng tâm lý đối tượng cần tiếp cận: với phụ nữ là loại thuốc có tác dụng kéo dài tuổi hồi xuân, tăng cường sinh lý và đàn ông là thuốc tăng cường sự sung mãn, chậm mãn dục khi tuổi về chiều…
Thực ra, kiểu quảng cáo trá hình dưới sự bảo trợ của công ty dược phẩm thông qua các thầy thuốc có uy tín không xa lạ gì với nhiều nước trên thế giới. Theo điều tra của một nhà báo Úc chuyên về y tế thì ở nhiều quốc gia có đến hơn 80% bác sĩ thường xuyên tiếp xúc với trình dược viên của các hãng thuốc và hậu quả là thói quen kê toa của họ cho bệnh nhân bắt đầu có “vấn đề”. Ở Mỹ, vào năm 2004, dân chúng đã phẫn nộ về hành vi của một vị tiến sĩ y khoa và là nhà khoa học hàng đầu của Viện Sức khỏe quốc gia đã có nhận xét đích danh một loại thuốc được cho là “an toàn và hiệu quả cho người tiêu dùng”. Thế nhưng sau này, người ta phát hiện vị tiến sĩ y khoa này được tập đoàn dược phẩm sản xuất ra loại thuốc đó trả tiền, do vậy ông ta đã cố tình không đề cập đến một số tác dụng phụ chết người của thuốc này (Báo Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 11-7-2012).
Mới đây, xì-căn-đan đình đám ở Mỹ về việc Hãng dược phẩm nổi tiếng thế giới GlaxoSmithKline (GSK) của Anh bị phạt tới 3 tỷ USD. Trong phán quyết ra ngày 2-7, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định GSK đã tiếp thị trên thị trường những loại thuốc chưa được cấp phép của cơ quan chức năng Mỹ, che giấu những dữ liệu liên quan đến độ an toàn của các loại dược phẩm, có hành vi hối lộ bác sĩ và khuyến khích họ kê các loại thuốc tâm thần không phù hợp với trẻ em.
Ở Việt Nam, báo chí đã nói nhiều về việc các công ty dược phẩm thế giới “móc ngoặc” với các bác sĩ bệnh viện để bán thuốc cho người bệnh, tất nhiên là các chi phí bỏ ra cho bác sĩ (hoa hồng, đi du lịch…) sẽ được công ty dược phẩm cộng dồn vào giá thuốc. Hậu quả là người bệnh phải mua thuốc với giá đắt.
Việc “Tư vấn sức khỏe” cho mọi người ở mọi độ tuổi là rất cần thiết. Thế nhưng “ẩn” sau chuyện này là mục đích quảng cáo thuốc thì nó đã xóa đi nội dung lành mạnh, tốt đẹp của chương trình này.
Xuân Phú