Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều còn nợ…

08:07, 23/07/2012

Vừa tròn 18 tuổi, cậu học sinh Đào Duy Trọng (quê Vĩnh Phú) tình nguyện vào bộ đội, xung phong vào chiến trường B ở miền Nam dù anh là con trai duy nhất trong gia đình, không nằm trong diện phải nhập ngũ.

Vừa tròn 18 tuổi, cậu học sinh Đào Duy Trọng (quê Vĩnh Phú) tình nguyện vào bộ đội, xung phong vào chiến trường B ở miền Nam dù anh là con trai duy nhất trong gia đình, không nằm trong diện phải nhập ngũ. 2 lần bị thương nặng, nhiều người khuyên giải ngũ trở về tiếp tục chuyện học hành, nhưng chàng trung úy trẻ, trợ lý tham mưu Tiểu đoàn E 24 (thuộc Sư đoàn 304) vẫn lạc quan: “Sắp đến ngày toàn thắng rồi, lúc đó sẽ đi học cũng không muộn”. Trong trận đánh vào Căn cứ Nước Trong (huyện Long Thành) ngày 27-4-1975, chỉ cách ngày chiến thắng có 3 ngày, anh Trọng đã vĩnh viễn nằm lại ở tuổi 25. Giấy báo tử gửi về gia đình chỉ vỏn vẹn mấy dòng “Hy sinh tại mặt trận phía Nam, đơn vị đã mai táng tại Đức Tu, Biên Hòa”.

Từ đó, Biên Hòa không chỉ là địa danh, mà đã trở thành nơi “hành hương” của gia đình liệt sĩ Đào Duy Trọng. Gia đình khó khăn, nhưng cứ gom góp, dành dụm đủ tiền là ông bà Đào Văn Kính lại vào Đồng Nai, đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh, dò tìm từng mộ bia, đọc từng danh sách liệt sĩ hy sinh với hy vọng tìm thấy hài cốt con mình nằm đâu đó. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, ông bà đã không đợi được ngày con trai trở về, trách nhiệm thiêng liêng được giao lại cho chị ruột liệt sĩ, rồi sau đó được truyền lại cho người cháu gọi liệt sĩ bằng cậu. Nhưng đau xót một điều, là dù ngày hy sinh rất cận kề ngày chiến thắng, biết được địa điểm hy sinh nhưng cho đến nay vẫn không thể xác định nơi quy tập, chôn cất liệt sĩ. Lần cuối cùng đến Đồng Nai vào giữa tháng 6-2012, gia đình liệt sĩ Trọng chỉ biết vào Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, thắp hương lên tất cả các ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên rồi mang một nắm đất nơi liệt sĩ đã ngã xuống, đưa về quê hương để thờ như một phần xương máu của liệt sĩ.

Ở Phòng Chính sách người có công thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh, mỗi năm có đến vài trăm đoàn từ các địa phương khác đến nhờ hỗ trợ tìm hài cốt liệt sĩ, nhất là vào tháng 7. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở cho biết, bất cứ gia đình liệt sĩ nào có nhu cầu tìm kiếm, xác minh về hài cốt liệt sĩ, Sở cũng hỗ trợ hết mình. Nhưng do các điều kiện về lịch sử, số thân nhân tìm được hài cốt liệt sĩ rất ít, người làm công tác chính sách luôn phải đối diện với những nỗi khắc khoải mong chờ, rồi đau buồn thất vọng. 11.079 ngôi mộ đang yên nghỉ tại 6 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 3 ngàn ngôi mộ mang dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”, và mỗi một ngôi mộ chưa biết tên ấy là mỗi một niềm ray rứt mà thế hệ hôm nay thấy mình vẫn còn nợ những người đi trước…

Thanh Thúy

 

 

Tin xem nhiều