Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa ứng xử trong gia đình

08:06, 28/06/2012

Gia đình là cái nôi phát triển nhân cách của trẻ. Môi trường gia đình có tầm quan trọng trong việc hình thành giá trị sống lành mạnh và tốt đẹp cho mỗi con người.

 

Gia đình là cái nôi phát triển nhân cách của trẻ. Môi trường gia đình có tầm quan trọng trong việc hình thành giá trị sống lành mạnh và tốt đẹp cho mỗi con người.

Người xưa quan niệm: “Gia đình phải có gia giáo - giáo dục đạo đức, phẩm chất, nhân cách cho con cái; gia lễ - đảm bảo kỷ cương, có thứ bậc, ngôi vị trong gia đình; gia pháp - những phép tắc, luật lệ, khuôn phép của gia đình để giáo dục con trẻ trong gia đình; gia phong - nề nếp, lề thói mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ theo hết sức nghiêm ngặt”. Văn hóa ứng xử trong gia đình được người Việt đề cao và rất coi trọng. Những giá trị đạo đức xã hội của tư tưởng Nho giáo được cha ông răn dạy, chỉ bảo con cái từ thuở mới lọt lòng đến khi trưởng thành được thể hiện rất rõ trong ca dao, tục ngữ. Đó là những bài học ứng xử về hiếu nghĩa, đạo làm con: “Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”; tình thương yêu anh em ruột thịt: “Anh em như chân, như tay. Như chim liền cánh, như cây liền cành”, “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”...

Thời nay, trong gia đình, dù văn hóa ứng xử có thay đổi rất nhiều so với ngày xưa, nhưng những khuôn phép của mỗi gia đình vẫn không thể thiếu được.

Thế nhưng, trong vòng quay của cuộc sống hiện đại, nhiều cha mẹ mải lo kinh tế nên có lúc quên mất tổ ấm gia đình của mình. Con trẻ cảm thấy lạc lõng, thiếu thốn tình cảm ruột thịt, thiếu tình cảm của một gia đình đầm ấm. Điều này có tác động không nhỏ đến lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình.

Cha mẹ dạy con, giáo dục con là phải rèn bản thân mình. Làm gương và chuẩn mực trong ứng xử của cha mẹ với người thân, cộng đồng sẽ cho con cái có được những bài học tốt, giúp các em lớn khôn thành người có ích cho xã hội. Môi trường gia đình thế nào thì tính cách mai sau của trẻ như thế. Trẻ em thường bắt chước cha mẹ những hành vi ứng xử và có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Những việc làm trái với lời nói, trái chuẩn mực đạo đức của cha mẹ sẽ để lại sự lệch lạc trong tâm hồn, hằn sâu vào tâm thức trẻ. Ví như không thực hiện đúng Luật Giao thông, xả rác bừa bãi ra môi trường, sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, lời nói, thái độ thiếu lịch sự với người xung quanh, hứa nhiều nhưng không thực hiện...

Sự áp đặt lên con cái của nhiều bậc cha mẹ ngày nay, kiểu “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” hay “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã lỗi thời. Cha mẹ không nên giữ mãi quan điểm, con cái mà làm trái ý, cãi lời cha mẹ thì là bất hiếu, hư hỏng. Chúng ta cần tôn trọng quyết định của con trẻ về những việc riêng, sự lựa chọn việc học hành, lựa chọn nghề nghiệp hay chuyện hôn nhân của đời người... Người lớn cần có thái độ thật bình tĩnh để giải quyết mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống sao cho thật nhẹ nhàng, tế nhị và có lý có tình. Tránh roi vọt, la mắng khi con cái mắc lỗi, mà cần chia sẻ, khuyên nhủ, dạy bảo phải trái để trẻ sửa chữa sai lầm. Tôn trọng nhau, luôn giữ hòa khí là điều gia đình nào cũng mong muốn.

Gia đình là tế bào của xã hội có tác động rất lớn đến việc phát triển và cường thịnh của đất nước. Văn hóa ứng xử trong gia đình là một nét đẹp của người dân đất Việt, góp phần cho văn hóa dân tộc thăng hoa.

Hưng Nhân

 

 

Tin xem nhiều