Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm của nhà sản xuất xúc xích “bẩn”?

09:06, 19/06/2012

Những thông tin về xúc xích “bẩn” lần đầu tiên được đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 14-6 đã gây “sốc” cho người tiêu dùng.

 

Những thông tin về xúc xích “bẩn” lần đầu tiên được đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 14-6 đã gây “sốc” cho người tiêu dùng.

Quả thật, từ nhiều năm nay hiện tượng mặt hàng thực phẩm chế biến ăn liền thi thoảng phát hiện ra có sản phẩm bị chua, chảy nước đã là đáng sợ, nhưng đến mức độ như xúc xích mang nhãn hiệu Soyumm (do Công ty CP Jupiter Foods - Bình Dương sản xuất) có dòi bọ lúc nhúc, nhìn rất ớn lạnh! Đáng nói, đây không phải là sản phẩm hết “đát” mà vẫn còn trong thời hạn sử dụng và đối tượng tiêu dùng của sản phẩm này nhắm tới chính là trẻ em! Một chuyên gia trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nhận định, xúc xích có dòi là do ruồi nhặng đẻ trứng lên đó!

Câu hỏi được đặt ra là việc quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào và công nghệ tiệt trùng của Công ty CP Jupiter Foods có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không khi sản xuất xúc xích Soyumm liên tục gặp phải “sự cố” có dòi còn trong thời hạn sử dụng? Đây lại là mặt hàng thực phẩm dễ nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt đối với trẻ em.

Rất đáng trách là nhiều lần đại lý phản ánh về hiện tượng xúc xích “bẩn” nhưng Công ty CP Jupiter Foods vẫn chậm chạp xem xét nguyên nhân để kịp thời khắc phục hậu quả. Chỉ đến khi vụ việc được khiếu nại đến Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai thì công ty mới cử một trưởng phòng kinh doanh đến làm việc, thừa nhận có lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất và chấp nhận thu hồi sản phẩm. Một câu hỏi rất đáng quan tâm là còn bao nhiêu xúc xích “bẩn” khác đã được đưa ra thị trường tiêu thụ trót lọt? Vì vậy, các cơ quan chức năng trong tỉnh, nhất là lực lượng quản lý thị trường cần phải tích cực tăng cường kiểm tra, phát hiện và thu hồi sản phẩm xúc xích “bẩn” để bảo vệ người tiêu dùng.

Xung quanh vụ việc này, lãnh đạo Công ty CP Jupiter Foods cần phải biết rằng,  trong điều 22 chương 2 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (năm 2010) đã quy định rất cụ thể về “trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật”.  Theo đó, doanh nghiệp phải kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường. Đồng thời thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất trong 5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông. Trong đó, doanh nghiệp phải thông báo rõ các nội dung, như: mô tả hàng hóa phải thu hồi; lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa…

Có thể nói, sự cố xúc xích “bẩn” là hết sức nghiêm trọng. Thái độ của nhà sản xuất đã không thể hiện hết trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng. Tất nhiên, trong thời buổi an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu thì nhà sản xuất xúc xích “bẩn” sẽ phải gánh chịu hậu quả từ phản ứng của người tiêu dùng.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều