Báo Đồng Nai điện tử
En

Không sòng phẳng!

09:06, 26/06/2012

Người tiêu dùng, khách hàng cho dù được những nhà lý thuyết về kinh doanh tâng bốc lên là “thượng đế” nhưng thực tế cuộc sống luôn chỉ ra rằng họ là đối tượng thua đơn, thiệt kép trong nhiều mối quan hệ liên quan đến kinh doanh, dịch vụ.

Người tiêu dùng, khách hàng cho dù được những nhà lý thuyết về kinh doanh tâng bốc lên là “thượng đế” nhưng thực tế cuộc sống luôn chỉ ra rằng họ là đối tượng thua đơn, thiệt kép trong nhiều mối quan hệ liên quan đến kinh doanh, dịch vụ. Điển hình, báo chí cả nước mới đây đã thông tin trong gần 1 tháng rưỡi qua đã có 4 đợt giảm giá xăng dầu với tổng cộng 1.800 đồng/lít  nhưng các nhà xe đã phớt lờ việc phải giảm giá cước, cho dù Bộ Tài chính cũng đã có yêu cầu giảm giá cước. Trong khi đó, mỗi khi có biến động về giá xăng dầu tăng thì sớm hay muộn các doanh nghiệp vận tải và taxi sẽ điều chỉnh tăng giá cước. Lý do về việc chưa chịu giảm giá cước đều được các nhà xe đổ lỗi do các chi phí đầu vào cao, trong đó có lãi suất vay ngân hàng!

Cùng thời điểm này, nhiều doanh nghiệp và khách hàng cá nhân kêu trời vì bị các ngân hàng thương mại bắt chẹt do lãi suất huy động liên tục giảm nhưng các ngân hàng chần chừ chưa chịu giảm lãi suất vay cho các hợp đồng cũ. Từ đầu năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ trần lãi suất huy động từ 14%/năm xuống còn 9% như hiện nay. Thế nhưng không ít ngân hàng thương mại “nại“ lý do các hợp đồng tín dụng cũ từ nguồn vốn huy động theo lãi suất cũ nên chưa vội vàng chỉnh lãi suất vay. Liên quan đề nghị giảm lãi cho vay cũ để giải quyết khó khăn của nhiều DN, đại diện các ngân hàng đều cho rằng: Trước đây lãi suất huy động ở mức cao, nếu cộng cả khuyến mại cũng rất cao, vì thế nếu hạ lãi suất đầu vào bây giờ thì lãi suất cho vay  không thể giảm ngay. Ngân hàng Nhà nước cũng không thể đưa ra quyết định bắt ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Đây là hợp đồng tín dụng hai bên cùng chia sẻ rủi ro.Thế nhưng, trước đây, mỗi lần thay đổi lãi suất huy động tăng là các ngân hàng cũng kịp thời điều chỉnh hợp đồng tín dụng cũ theo hướng lãi suất vay tăng. Đây có thể được xem là thái độ “kẻ cả” của nhiều ngân hàng thương mại khi nhìn khách hàng vay như  các các đối tượng phải phụ thuộc mình, họ luôn nắm đằng chuôi.

“Lỗ hổng” ở đây chính là trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát giá cả nhằm phục hồi sản xuất-kinh doanh, góp phần thực hiện bình ổn giá để kiềm chế lạm phát.

Thanh Trà

 

 

Tin xem nhiều