PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới) khởi xướng.
PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới) khởi xướng. PISA được đưa vào triển khai thực hiện từ năm 2000 với mục đích kiểm tra, đánh giá và so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15 giữa các nước trên thế giới. Đây được coi là chương trình nghiên cứu so sánh, đánh giá chất lượng giáo dục có quy mô lớn nhất trên thế giới cho đến nay.
Giữa tháng 4 vừa qua, Việt Nam có 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố (trong đó có Đồng Nai) tham gia PISA 2012 với 5.100 học sinh 15 tuổi học các lớp ở bậc phổ thông, giáo dục thường xuyên và dạy nghề. Chương trình này được thực hiện định kỳ 3 năm một lần và đến nay đã có 70 nước tham gia khảo sát. PISA tập trung vào ba lĩnh vực: Toán, Khoa học, Đọc hiểu. Mỗi kỳ sẽ tập trung đánh giá sâu vào chỉ một lĩnh vực (năm 2012 tập trung vào lĩnh vực Toán).
Lần đầu tiên Việt Nam tham gia PISA với mục tiêu là hội nhập mạnh mẽ với giáo dục quốc tế, so sánh với giáo dục của các quốc gia trên thế giới, đổi mới phương pháp đánh giá, cách dạy - học, đón đầu cho đổi mới nền giáo dục nước nhà vào năm 2015... Có thể nói, với cách tiếp cận, hội nhập cùng giáo dục các nước trên thế giới, chúng ta có nhiều hy vọng vào việc đổi mới toàn diện, triệt để, nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh giáo dục còn nặng về bệnh thành tích thì PISA có tác động rất lớn đến việc thay đổi việc dạy và học một cách tích cực, thay đổi thi cử một cách hữu hiệu, thay đổi cách đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục tiến bộ hơn, sát với thế giới hơn...
Vấn đề là chúng ta tiếp cận sao cho có hiệu quả, phù hợp với giáo dục Việt Nam. Sẽ chẳng có kết quả gì nếu vẫn không thay đổi hệ thống, triết lý, mục tiêu giáo dục, chương trình và sách giáo khoa, cách quản lý... Không phải cứ phân cấp càng nhỏ thì những nhà quản lý giáo dục càng kiểm tra sâu sát hơn hoạt động dạy và học. Không phải cứ viết sách giáo khoa kiểu hàn lâm, bắt học sinh học nhiều thời gian, kiến thức nặng nề, học những thứ cao siêu là con trẻ đều giỏi.
Ngay như Phần Lan, một quốc gia đang đứng đầu thế giới về lĩnh vực giáo dục, theo kết quả của chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA, học sinh Phần Lan luôn dẫn đầu với số điểm cao nhất thế giới vào các năm 2000, 2003, 2006. Thế mà học sinh Phần Lan được học ít tiết nhất trong các nước đang phát triển. Học ít, hiểu nhiều, không có áp lực là mục tiêu của giáo dục nước này. Bậc tiểu học và trung học cơ sở được gộp chung một trường. Điều đặc biệt là giáo dục Phần Lan không có khái niệm kiểm tra, thanh tra, kiểm định. Nhà trường và giáo viên được quyền tự chủ. Nghề giáo là ngành nghề uy tín được mọi người lựa chọn và ưa chuộng cao trong xã hội nước này. Và một vấn đề vô cùng quan trọng nữa là, Phần Lan đầu tư cho giáo dục không phải là cao nếu không muốn nói thua xa nhiều nước trên thế giới...
Xã hội đang chờ đợi chỉ số kết quả trong lần đánh giá đầu tiên theo tiêu chuẩn quốc tế của giáo dục Việt Nam được công bố chính thức nay mai. Chúng ta kỳ vọng PISA sẽ cho các nhà quản lý giáo dục một cách nhìn thấu đáo về thực trạng chất lượng của giáo dục hiện nay để từ đó có những giải pháp chiến lược mang tầm nhìn xa và rộng cho giáo dục nước nhà cất cánh.
Đào Khởi