Báo Đồng Nai điện tử
En

Để dành cho mai sau

10:06, 04/06/2012

Từ hơn 10 năm nay, loại cát vàng trên sông Đồng Nai đã hoàn toàn vắng bóng trên thị trường vật liệu xây dựng để lại nhiều nuối tiếc cho bao người.

Từ hơn 10 năm nay, loại cát vàng trên sông Đồng Nai đã hoàn toàn vắng bóng trên thị trường vật liệu xây dựng để lại nhiều nuối tiếc cho bao người. Chắc hẳn trong ký ức các nhà thầu xây dựng và nhiều người dân đã từng sử dụng loại cát vàng sông Đồng Nai đều còn nhớ  đây là loại cát tốt nhất mà thiên nhiên ban tặng, chỉ có ở lòng sông Đồng Nai. Loại cát này hạt to, cứng, có màu vàng óng ánh, khi khai thác từ sông Đồng Nai lên rất sạch, ít tạp chất, rất thích hợp cho xây dựng những công trình cao tầng đòi hỏi chất lượng cao. 

Đáng tiếc, vào thời đó, người ta đã đổ xô khai thác cát vàng trên sông Đồng Nai một cách vô tội vạ, không có quy hoạch và cũng không ai có thể hình dung có một ngày loại cát này sẽ bị cạn kiệt, mất đi vĩnh viễn! Cát vàng ngày đó được khai thác nhiều vô kể, đến mức không chỉ dành cho xây dựng mà còn dùng vào san lấp mặt nền cho những dự án chuyển đổi đất nông nghiệp thành khu công nghiệp , khu dân cư đô thị từ miền Đông xuống miền Tây. Nay thì người Đồng Nai chỉ còn được nghe về hạt cát vàng như nghe “chuyện cổ tích”, còn trên thực tế khi có nhu cầu xây nhà phải sử dụng loại cát pha nhiều tạp chất, phải mất nhiều công sàng lọc, chất lượng xấu, được tận thu khai thác từ các nhánh sông hoặc có khi phải mua từ miền Tây về!

Ở vùng mỏ lộ thiên Quảng Ninh có trữ lượng vô cùng to lớn sau hàng chục năm trời khai thác tối đa, năm sau cao hơn năm trước, không chỉ dùng trong nước mà còn “cắm đầu cắm cổ” đem đi xuất khẩu cũng đang thu hẹp diện tích mỏ. Đến nay, những thông tin về Việt Nam phải nhập khẩu than với chất lượng kém hơn than Quảng Ninh đang làm mọi người phải bức xúc. Sự lên tiếng cảnh báo về tình trạng lạm khai thác sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn khoáng sản than này đã chậm.

Cát, đất sét, đá, than… là những nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo do vậy khai thác bao nhiêu là mất đi bấy nhiêu. Xin được kể lại câu chuyện về nhiều người nước ngoài đã tỏ ra ngạc nhiên xen lẫn tiếc nuối khi vào một quán cơm niêu chứng kiến chủ quán đập cái niêu để lấy cơm ra. Họ cho rằng, cũng như các vật dụng lu hũ, bình gốm…, những cái niêu được làm bằng đất sét khi nung lên rồi thì lượng đất sét đó hoàn toàn mất đi, không tái tạo được. Việc đập vỡ cái niêu là hành động lãng phí tài nguyên.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ khai thác tài nguyên khoáng sản rất hấp dẫn, do vậy người ta đã đổ xô đầu tư vào lĩnh vực này và bằng cách “chạy” để có được giấy phép. Theo khảo sát của Viện Tư vấn phát triển,  trong vòng chưa đầy 3 năm, UBND các tỉnh, thành phố đã cấp số giấy phép gấp 8 lần số các bộ cấp trong 12 năm. Từ 1996 - 2008, Bộ Công nghiệp và Bộ Tài nguyên - môi trường chỉ cấp 928 giấy phép hoạt động khoáng sản. Trong khi đó, từ tháng 10-2005 đến tháng 8-2008, UBND các tỉnh, thành phố đã cấp đến 3.495 giấy phép hoạt động khoáng sản.

Tài nguyên khoáng sản không phải là kho báu vô tận. Không thể cứ khư khư theo suy nghĩ cũ là “nước ta giàu có nguồn tài nguyên” để khai thác một cách vô tội vạ. Vì vậy, rất cần phải tiết kiệm trong khai thác tài nguyên khoáng sản  để dành cho con cháu mai sau.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều