Vài năm trở lại đây, kết quả chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT đều làm…mát mặt, thơm tiếng cho ngành giáo dục. Năm 2011, hàng loạt tỉnh đạt kết quả thi tốt nghiệp tuyệt đối là 100%.
Vài năm trở lại đây, kết quả chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT đều làm…mát mặt, thơm tiếng cho ngành giáo dục. Năm 2011, hàng loạt tỉnh đạt kết quả thi tốt nghiệp tuyệt đối là 100%. Cá biệt có những tỉnh thành vùng cao phía Bắc không khỏi làm cả nước giật mình khi tỷ lệ đạt tốt nghiệp THPT năm trước còn rất thấp, nhưng trong kỳ thi năm 2010, 2011 lại nhảy vọt lên trên 90%.
Nhìn lại những năm trước, khi ngành GD-ĐT với quyết tâm cao thực hiện việc đổi mới thi cử và chống bệnh thành tích trong giáo dục, kết quả chỉ ngoài 70% thí sinh đậu tốt nghiệp. Lúc đó mọi người đều thừa nhận là “kỳ thi phản ánh chân thực kết quả học tập của học sinh” và hết lời khen ngợi kết quả ấy, quyết tâm ấy.
Thế nhưng, vì sao chỉ trong vài năm mà kết quả kỳ thi tốt nghiệp lại thay đổi một cách nhanh chóng, từ ngoài 70% lên 90-100% như vậy? “Cú nhảy xa” vượt bậc này có phải là thực chất không? Và nếu con em cả nước chúng ta đều giỏi giang, thì liệu có nên tổ chức một kỳ thi tốn kém quá nhiều tiền bạc, công sức của cả xã hội vì kết quả thi đều đạt 100%?
Một kỳ thi mà “nhà nhà vui vẻ” vì tất cả thí sinh đều đạt kết quả tốt và chỉ sau đó một tháng, các em lại thực hiện thêm một kỳ thi đại học, cao đẳng căng thẳng, tốn kém. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT không hề làm thay đổi tính chất hay phân loại thí sinh; không phân biệt được ai giỏi, ai kém và mọi thí sinh đều nắm quyền bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng như nhau. Vậy mục đích của kỳ thi tốt nhgiệp THPT là gì và liệu có nên tồn tại một kỳ thi như thế?
Trương Hiệu