Tiền từ thuốc lá có thể hiểu là ngân sách thu được từ sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu và cũng có thể hiểu là tiền từ ngân sách bỏ ra để điều trị các bệnh nguy hiểm do thuốc lá gây ra. Một đằng là thu từ tác nhân bất lợi - thuốc lá và sau đó là phải chi ra cũng do chính nó gây ra.
Tiền từ thuốc lá có thể hiểu là ngân sách thu được từ sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu và cũng có thể hiểu là tiền từ ngân sách bỏ ra để điều trị các bệnh nguy hiểm do thuốc lá gây ra. Một đằng là thu từ tác nhân bất lợi - thuốc lá và sau đó là phải chi ra cũng do chính nó gây ra.
Một năm thuốc lá đem nguồn thu về cho ngân sách nước ta khoảng 12 - 14 ngàn tỷ đồng và theo Bộ Y tế cũng phải chi ra khoảng 2.300 tỷ đồng để điều trị những bệnh do thuốc lá gây ra. Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào con số thu - chi thì việc đắn đo, suy nghĩ nên phòng, chống tác hại của thuốc lá ra sao là dễ hiểu. Thế nhưng, tiền từ thuốc lá theo 2 khía cạnh trên có thể định lượng là thu vào và chi ra bao nhiêu còn về mặt tác hại của nó thì không chỉ đo đếm được bằng tiền, bởi mỗi năm có tới khoảng 40 ngàn người bị chết vì ung thư và các bệnh liên quan đến thuốc lá . Và theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thuốc lá còn có nhiều tác động cực kỳ xấu về mặt nòi giống và cho xã hội. Tiền thu vào ngân sách bao nhiêu có nghĩa là người hút thuốc cũng đã “đốt” từng ấy tiền cho thuốc lá, một sự lãng phí cực lớn để “thu” vào bệnh tật!
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày 31-5 là: Ngày thế giới không thuốc lá. Năm nay, WHO đã chọn chủ đề của Ngày thế giới không thuốc lá là “Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá”. Chọn chủ đề này, WHO muốn nêu lên sự cần thiết phải phát hiện và ngăn chặn những hành động trắng trợn của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm làm suy yếu Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (Việt Nam đã tham gia công ước này).
Nhiều nước trên thế giới đang tích cực phòng, chống thuốc lá bằng nhiều biện pháp ngăn chặn, như: cấm hút thuốc nơi công cộng, đánh thuế vào thuốc lá rất cao, phạt nặng người hút thuốc vi phạm… Việt Nam là một quốc gia có số lượng người hút thuốc khá cao, khoảng 14 triệu người. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, ước tính vào năm 2030 sẽ có 70 ngàn người chết vì thuốc lá. Đồng thời, còn có hàng chục triệu người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động trong gia đình và nơi công cộng.
Quốc hội đang thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Có thể thấy, tiền thu được cho ngân sách từ thuốc lá quả là “lợi bất cập hại”, chỉ có lợi nhỏ trước mắt trong khi đem lại tác hại rất lớn và lâu dài. Do vậy, sự lựa chọn đúng đắn là dứt khoát chống hút thuốc lá.
Xuân Phú