Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi nhuận hay bảo tồn đa dạng sinh học?

08:05, 23/05/2012

Trước và sau khi tổ chức lễ đón nhận danh hiệu khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (DTSQ) là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới do UNESCO công nhận, không ít cán bộ lãnh đạo và quản lý tâm huyết với khu DTSQ này trong tâm trạng vui mừng, tự hào  xen lẫn nhiều lo âu.

 

Trước và sau khi tổ chức lễ đón nhận danh hiệu khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (DTSQ) là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới do UNESCO công nhận, không ít cán bộ lãnh đạo và quản lý tâm huyết với khu DTSQ này trong tâm trạng vui mừng, tự hào  xen lẫn nhiều lo âu.

Vui là vì, sau hàng chục năm trời rất vất vả trong công tác gìn giữ, bảo vệ và bảo tồn để có Khu DTSQ Cát Tiên đầu tiên, nay đã phát triển rộng lớn trở thành Khu DTSQ Đồng Nai có tổng diện tích hơn 966 ngàn hécta nằm trên địa bàn các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông , trong đó Đồng Nai chiếm phần lớn. Khu DTSQ Đồng Nai bao gồm 3 vùng lõi: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn vùng nước nội địa hồ Trị An - sông Đồng Nai và Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Những giá trị về thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa và lịch sử của Khu DTSQ Đồng Nai được ví như “viên ngọc quý” của cả vùng Đông Nam bộ.

Lo lắng là vì, ngay trong vùng lõi của Khu DTSQ Đồng Nai đang có 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà chủ đầu tư rất quyết tâm làm, bất chấp sự phản ứng  quyết liệt của công luận và nhiều nhà khoa học. Nhà đầu tư làm thủy điện tất nhiên là đi tìm kiếm lợi nhuận nên dù có phải “hi sinh” và đánh đổi về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thì họ sẽ vẫn làm. Cho dù, bài học làm thủy điện ồ ạt dẫn đến tai ương bất thường, người dân gánh chịu hậu quả đã và đang xảy ra ở miền Trung và Tây Nguyên. 

Phát triển bền vững đang là xu hướng văn minh trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật chung này. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ: “Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư. Các dự án, công trình mới bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định về môi trường (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 2011, trang 221). Chính vì vậy, không thể phát triển kinh tế với bất kỳ giá nào, như: khai thác khánh kiệt nguồn tài nguyên, hủy hoại thiên nhiên, phá vỡ cân bằng sinh thái… để lại hậu quả lâu dài cho con cháu mai sau.

Nói như ông Trần Văn Mùi, Phó trưởng ban Thường trực  Ban quản lý Khu DTSQ Đồng Nai thì cái được của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A  là tiền, là lợi nhuận của chủ đầu tư nhưng sẽ đánh mất đi sự đa dạng sinh học và có thể ảnh hưởng đến sản xuất - đời sống của hàng triệu người sinh sống ở lưu vực sông Đồng Nai. Khi đó, Chính phủ có bỏ ra rất nhiều tiền để khắc phục hậu quả thì cũng không bao giờ phục hồi được như hiện nay.

Tiền không thể mua được sự bảo tồn đa dạng sinh học và sự cân bằng sinh thái - một khi đã bị đánh mất - nhưng người ta vẫn có thể kiếm ra tiền từ việc biết chăm lo cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Theo quan niệm phát triển bền vững, con người được đặt ở vị trí trung tâm, là động lực và mục tiêu của sự phát triển, vì thế làm kinh tế cũng không thể tách rời nội dung này.  Do vậy, cần dứt khoát nói không với dự án kinh tế nhưng đánh đổi môi trường thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều