Tình trạng học sinh đuối nước đã được dư luận gióng lên hồi chuông báo động từ rất lâu. Và Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV ngày 9-2-2010 về triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015. Thế nhưng đến nay, công tác dạy bơi cho học sinh vẫn còn nằm trên giấy.
Tình trạng học sinh đuối nước đã được dư luận gióng lên hồi chuông báo động từ rất lâu. Và Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV ngày 9-2-2010 về triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015. Thế nhưng đến nay, công tác dạy bơi cho học sinh vẫn còn nằm trên giấy.
Tại sao có thực trạng này xảy ra? Có thể kể ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quá chậm trễ này. Trước tiên phải nói đến cơ sở vật chất trong các trường học chưa đảm bảo cho việc xây dựng hồ bơi. Thực tế ở nhiều trường tiểu học hiện nay, vấn đề quá tải học sinh cứ xảy ra từ năm học này đến năm học khác. Lo cho các em có đủ chỗ học đã là quá tầm tay của nhiều nơi, nói gì đến đất để làm hồ bơi. Bên cạnh đó, những nơi có quỹ đất thì kinh phí xây dựng và hoạt động của hồ bơi cũng là cả một vấn đề lớn mà nhiều trường chưa biết tìm đâu ra cả trăm triệu đồng để đầu tư.
Cũng cần nói tới sự thờ ơ của các cấp có trách nhiệm trong việc đưa bơi lội vào dạy cho học sinh. Sau hơn hai năm Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT dạy bơi cho học sinh tiểu học để phòng chống đuối nước, đến nay ở nhiều nơi vẫn chưa có động thái nào. Nếu có thì cũng chỉ là những công văn chỉ đạo trên giấy.
Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn rất cụ thể về công tác dạy bơi cho học sinh: “Đầu tư xây dựng bể bơi tại trường học, hoặc cụm trường với quy mô và hình thức phù hợp. Lựa chọn, tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể dục cốt cán để đảm bảo về chuyên môn, kỹ năng dạy bơi cho học sinh. Thời gian tổ chức dạy bơi: Tổ chức vào các dịp hè và các ngày nghỉ trong tuần, hoặc có thể lồng ghép những tiết dạy bơi vào chương trình môn học giáo dục thể chất”. Giải pháp cho vấn đề không phải là không có và quá khó mà là các cấp quản lý giáo dục có dám nghĩ, dám làm. Nó đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục phải mạnh dạn đưa ra những hoạch định cụ thể và bắt tay vào làm một cách tích cực. Không thể thực hiện hết việc xây dựng bể bơi ở tất cả các trường, nhưng cụm trường là điều dễ dàng. Kinh phí cho các công trình này không khó huy động trong phụ huynh học sinh. Xã hội hóa giáo dục, tự nguyện đóng góp của phụ huynh để mang lại quyền lợi cho chính học sinh sẽ được đồng thuận cao trong xã hội. Song song đó, các trường không có điều kiện cũng có thể tổ chức việc dạy bơi cho học sinh bằng cách hợp đồng với các trung tâm thể dục - thể thao, nhà thiếu nhi, các hồ bơi... về cơ sở vật chất cũng như chuyên môn nghiệp vụ.
Mùa hè này, mong rằng trong chương trình hoạt động của các trường cần đưa vào sân chơi cho học sinh môn bơi lội để các em rèn kỹ năng cho mình, tránh những rủi ro, nguy hiểm về đuối nước luôn rình rập bất cứ lúc nào. Và rất mong ngành giáo dục khẩn trương đưa môn bơi lội vào dạy đại trà ở các trường tiểu học, trước khi quá muộn.
Hồng Đào