Một “cú hích” đối với doanh nghiệp và thị trường được thực hiện bởi Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào cuối tuần qua .
Một “cú hích” đối với doanh nghiệp và thị trường được thực hiện bởi Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào cuối tuần qua . Đó là một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có các giải pháp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với một số doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối... Đồng thời đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới, trả nợ cũ,...) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính…
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, trong nước phải ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất - kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thua lỗ phá sản gia tăng, sức mua giảm mạnh khiến lượng hàng tồn kho rất lớn, cho đến tháng 4-2012 hàng tồn kho đã lên đến hơn 32%... Sự ra tay của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường vào thời điểm này là rất cần thiết. Động thái này ngay lập tức đã tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tuy vẫn nhất quán với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nhưng đang được Chính phủ thực hiện linh hoạt, đồng bộ khi vừa giảm lãi suất vừa có gói hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường (theo đề án của Bộ Tài chính lên đến khoảng 29 ngàn tỷ đồng).
Có thể thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam là khu vực cần được ưu tiên hỗ trợ . Tuy nhiên, làm thế nào để các chính sách hỗ trợ theo tinh thần nội dung Nghị quyết 13 của Chính phủ vận hành một cách nhịp nhàng, tác dụng hỗ trợ đến kịp thời và đúng đối tượng là chuyện cần quan tâm.
Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp nên có số lượng doanh nghiệp rất lớn, do vậy cần có sự ra tay tích cực từ phía chính quyền và các sở, ngành liên quan trong việc triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường sớm đi vào cuộc sống.
Xuân Phú