Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó!

09:04, 23/04/2012

Con số đáng tin cậy từ các cơ quan có thẩm quyền đưa ra cho biết, từ năm 2011 đến nay, cả nước có hơn 81 ngàn doanh nghiệp (DN) phá sản và còn khoảng 10 ngàn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Con số đáng tin cậy từ các cơ quan có thẩm quyền đưa ra cho biết, từ năm 2011 đến nay, cả nước có hơn 81 ngàn doanh nghiệp (DN) phá sản và còn khoảng 10 ngàn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động. Tình hình sản xuất khó khăn, đình đốn, cộng với sức mua trên thị trường giảm đã khiến cho hàng hóa tồn kho gia tăng, nợ thuế tăng và nhiều DN không còn “sức khỏe” vay vốn ngân hàng làm ăn, cho dù lãi suất cho vay trong thời gian gần đây liên tục giảm.

Bức tranh làm ăn của cộng đồng DN trong nước kém sáng sủa là điều có thể thấy trước trong bối cảnh kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của cả nước ta kể từ năm 2011 cho đến nay. Với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công… được ví von như những liều thuốc mạnh để cắt giảm “con bệnh” lạm phát, tất yếu phải chấp nhận một số hệ lụy phát sinh gây khó khăn cho DN và thị trường. Với Đồng Nai, trong 3 tháng đầu năm nay giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, nhiều ngành gặp khó khăn do thị trường giảm sút, như: gốm sứ, chế biến gỗ, nông sản, thủ công mỹ nghệ. Không ít DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn, nhất là ở những ngành có tính cạnh tranh cao, như: linh kiện điện tử…

Dưới một góc nhìn khác thì tuy tình hình có khó khăn nhưng không đến mức quá bi quan cho các DN trong nước. Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nhận định đứng trước những khó khăn, thách thức cũng có mặt tốt khi nó đóng vai trò sàng lọc DN, với những DN thực sự “khỏe mạnh” sẽ đủ lực tiếp tục con đường còn dài phía trước. Trong lúc này, nếu vượt qua được khó khăn thì từng DN sẽ tự rút ra cho mình kinh nghiệm để vươn lên. Còn tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương,  cho rằng, tình hình khó khăn hiện tại là giai đoạn cần những tư duy, biện pháp mới để vượt qua khó khăn. Khi nền kinh tế thế giới liên tục có những bất ổn, rủi ro thì bản thân DN phải học làm quen với các cú sốc về thị trường, sốc với cả chính sách và những biến động khác. DN cần tăng cường các công cụ phòng chống rủi ro để giảm tính bất định giữa một thị trường đầy biến động.

Vượt khó trong giai đoạn này, có người ví von như “cà phê khi gặp nước nóng sẽ lan tỏa mùi thơm”.  DN trong nước sẽ trưởng thành hơn khi đã được “sàng lọc” qua những biến động, thách thức kéo dài của nền kinh tế.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều