Đầu tuần qua, một thông tin “rất nóng” tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn do Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng nói ra, đó là nếu phát hiện thêm 3 trường hợp từ rau quả Việt Nam xuất khẩu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, Ủy ban châu Âu (EU) sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ Việt Nam.
Đầu tuần qua, một thông tin “rất nóng” tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn do Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng nói ra, đó là nếu phát hiện thêm 3 trường hợp từ rau quả Việt Nam xuất khẩu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, Ủy ban châu Âu (EU) sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trước đó, Tổng vụ Sức khỏe người tiêu dùng của EU đã ra thông báo, trong thời gian từ 15-1-2012 đến 15-1-2013 nếu phát hiện thêm 5 lô hàng bị nhiễm dịch hại thì sẽ xem xét đóng cửa thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, cho tới đầu tháng 3 này đã phát hiện thêm 2 trường hợp bị nhiễm vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam hàng năm rất lớn, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu 13,7 tỷ USD, đạt kỷ lục về tốc độ tăng trưởng với hơn 33% so với năm 2010. Trong đó, có nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn, như: gạo 3,6 tỷ USD, cà phê 2,7 tỷ USD, hạt điều 1,35 tỷ USD, tiêu hơn 730 triệu USD… Riêng mặt hàng rau quả đạt hơn 600 triệu USD, trong đó xuất vào EU gần 70 triệu USD. Chính vì thế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung, trong đó có rau quả sẽ gánh chịu hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu như bị EU đóng cửa nhập khẩu.
Trách nhiệm đầu tiên là của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, không thể chấp nhận việc xuất khẩu những mặt hàng liên quan đến sức khỏe con người lại mua bán theo kiểu “hàng chợ”! Cần phải truy nguồn gốc mua của ai và ở đâu để có thái độ xử lý nghiêm khắc. Không thể vì lợi ích của một vài DN lại làm tổn hại đến uy tín và lợi ích quốc gia. Trước khi để xảy ra việc EU “đóng cửa” nhập khẩu rau quả thì ngay tức thời phải rà soát lại trách nhiệm của các DN đã xuất khẩu lô hàng có nhiễm dịch bệnh và áp dụng biện pháp mạnh là “đóng cửa ”xuất khẩu đối với những DN này. Đây là biện pháp cần thiết để răn đe các DN xuất khẩu phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu hàng nông sản của Việt Nam .
Cũng cần phải truy tới cùng nguồn gốc xuất xứ của các lô hàng rau quả này để cảnh báo cho nông dân biết, cùng với việc hướng dẫn quy trình sản xuất nông sản, rau quả sạch, an toàn là biện pháp xử lý nghiêm đối với các hộ, các vùng trồng nông sản, rau quả vi phạm. Nếu không, sẽ có hàng trăm ngàn hộ nông dân bị ách tắc đầu ra. Bài học về thiệt hại rất lớn do sử dụng chất cấm của một số ít hộ chăn nuôi dẫn đến bị người tiêu dùng trong nước “ngại” ăn thịt heo vẫn còn sờ sờ ra đó! Qua đây, cũng cho thấy phải đề cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm dịch hàng nông sản Việt Nam trước khi đồng ý cho xuất khẩu.
Đồng Nai có gần 48 ngàn hécta cây ăn trái và 13 ngàn hécta rau, hàng năm cung cấp ra thị trường gần 500 ngàn tấn trái cây và trên 200 ngàn tấn rau các loại. Trong đó, một số loại trái cây, như: sầu riêng, bưởi, xoài, chuối… đã được xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật và nhiều nước trong khu vực. Thế nhưng, số hợp tác xã sản xuất theo quy trình sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn thế giới như: VietGAP, GlobalGAP là rất hiếm hoi, tổng số diện tích đạt VietGAP và GlobalGAP chỉ chiếm chưa tới 0,05% tổng diện tích cây ăn trái và rau quả hiện có!
Tuy số lượng xuất khẩu chưa nhiều, nhưng tiềm năng xuất khẩu trái cây và rau quả ở Đồng Nai còn rất lớn, do vậy phải có biện pháp quản lý chặt chẽ từ đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đây là vấn đề rất cần được các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng cũng như đầu ra cho trái cây, rau quả.
Xuân Phú