Giáo dục an toàn giao thông được Bộ GD-ĐT đưa vào triển khai đại trà ở bậc tiểu học từ năm học 2002-2003. Thực trạng an toàn giao thông lúc đó đã đáng báo động nên việc lồng ghép giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường là một tín hiệu đáng mừng.
Giáo dục an toàn giao thông được Bộ GD-ĐT đưa vào triển khai đại trà ở bậc tiểu học từ năm học 2002-2003. Thực trạng an toàn giao thông lúc đó đã đáng báo động nên việc lồng ghép giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong nhà trường là một tín hiệu đáng mừng.
Chương trình giáo dục an toàn giao thông ấy rất sát thực tế. Các em được làm quen với các loại biển báo giao thông, đèn tín hiệu giao thông, một số điều luật cơ bản, những nguyên nhân và biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông, trách nhiệm của bản thân về an toàn giao thông... Có thể nói, bước đầu nhà trường đã trang bị khá đầy đủ kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh.
Thế nhưng hiện nay, trách nhiệm giáo dục an toàn giao thông cho con trẻ từ phía gia đình chưa được chú trọng. Không ít phụ huynh thiếu gương mẫu trong việc chấp hành giao thông. Học sinh tiểu học, THCS được cha mẹ đưa đón đi học còn khá nhiều em không đội mũ bảo hiểm. Cha mẹ chở ba, chở bốn, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu ngay trước mắt con trẻ... Chính những hình ảnh đó đã tạo tác dụng ngược lại những gì thầy cô đã dạy cho các em ở trường. Từ đó, nhà trường rất khó khăn trong việc giáo dục học sinh chấp hành tốt Luật Giao thông.
Đối với học sinh THPT thì vấn đề này càng nan giải hơn. Nhiều em được cha mẹ cho đi xe gắn máy phân khối lớn dù chưa đủ tuổi. Khi tham gia giao thông, các em thường dàn hàng ba, hàng tư, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt cả đèn đỏ, lạng lách... Từ học sinh tiểu học đến THPT đều được tuyên truyền, ký kết thực hiện an toàn giao thông. Trường không nhận giữ xe đạp của học sinh tiểu học, xe phân khối lớn của học sinh THPT.... thì học sinh gửi ở những điểm gần trường. Nhà trường tìm đủ mọi biện pháp để chấn chỉnh thực trạng này nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Sự thiếu phối hợp của gia đình đã gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho chính bản thân các em và cộng đồng.
Việc quản lý học sinh được giao hết cho nhà trường là không thể mà cần phải có sự phối hợp, sự đồng thuận và quan tâm của gia đình. Gia đình làm gương, sâu sát giáo dục con trẻ sẽ giúp các em có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh, có văn hóa khi tham gia giao thông. Và vì thế, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh không chỉ là công việc của nhà trường mà rất cần trách nhiệm từ phía gia đình.
Đào Khởi