Hàng năm vào dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, một số địa phương như Biên Hòa, Trảng Bom, Long Khánh thường tổ chức những hoạt động như biểu diễn văn nghệ, thi viết, nghe diễn thuyết…
Hàng năm vào dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, một số địa phương như Biên Hòa, Trảng Bom, Long Khánh thường tổ chức những hoạt động như biểu diễn văn nghệ, thi viết, nghe diễn thuyết… trong các trường tiểu học, THCS. Những hoạt động này thường được học sinh hưởng ứng rất sôi nổi, nhất là các tiết mục văn nghệ. Nhiều huyền thoại thời Hùng Vương như Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng, sự tích dưa hấu, sự tích bánh chưng - bánh dày đã được các em dàn dựng khá công phu và thú vị.
Các tiểu phẩm của học sinh, ngoài việc có kịch bản trung thành tuyệt đối với lịch sử, còn được chăm chút khá kỹ lưỡng về phục trang. Các em cho biết, trong sách giáo khoa không có hình ảnh minh họa về trang phục của vua Hùng, Lạc hầu, Lạc tướng, Mỵ nương, vì thế các em phải lên mạng, xem quyển “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” để tìm hình ảnh về người Việt cổ. Các tư liệu tìm được đều cho thấy, thời đó từ vua, quan đến dân chúng nước Văn Lang đều đóng khố, riêng các Mỵ nương thì mặc váy. Trang phục Mỵ nương thì dễ, nhưng trang phục của Hùng Vương, Mai An Tiêm, Lang Liêu cùng Lạc hầu, Lạc tướng thì mới đau đầu, cái khố có tìm ra được thì cũng không em nào biết cách đóng khố cho đúng cách. Cuối cùng thì giải pháp sử dụng khố giả đã giúp cho các em đỡ lúng túng.
Ở một cuộc thi tương tự, khán giả đã vô cùng sửng sốt và hào hứng khi thấy có đến vài chục nam sinh không chỉ đóng khố, ở trần mà trên người còn vẽ vô số thuồng luồng, thủy quái bằng… mực bút bi xanh đỏ đủ màu, trông rất ấn tượng. Các em cho biết, đọc tư liệu thấy người Việt cổ sống ở vùng biển thường có tục xăm các hình thủy tộc trên mình để khi lặn ngụp dưới nước, các loài thủy quái cho rằng có họ hàng, sẽ không làm hại, vì thế các em quyết định tái hiện lại tập tục cổ này trong hoạt cảnh Sơn Tinh - Thủy Tinh và đã khiến cho không khí buổi diễn thật sôi động.
Đồng Nai hiện có 4 đền thờ Hùng Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, trong đó có quy mô lớn nhất là đền thờ Hùng Vương tại phường Bình Đa (TP. Biên Hòa). Hàng năm đến ngày giỗ Tổ, nhân dân địa phương đổ về dâng lễ cúng Quốc Tổ rất đông, trong đó có cả các em học sinh. Nhiều hoạt động truyền thống được tái hiện, như hội thi nấu bánh chưng, bày mâm hoa quả, đánh cờ. Đây là một trong những cách giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đã được cha ông gìn giữ trao truyền từ bao đời nay để cháu con không xa cội nguồn quên nguồn. Nhưng không phải địa phương nào cũng có điều kiện tổ chức lễ giỗ Tổ như ở phường Bình Đa, vì thế để tiếp nối giáo dục truyền thống, các trường cần có những hoạt động ngoại khóa phù hợp trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Chính từ những hoạt động “đào sâu lịch sử” như trên sẽ giúp cho các em hiểu sâu và nhớ kỹ lịch sử nước nhà một cách tự nhiên và sinh động nhất.
Nam Hà