Báo Đồng Nai điện tử
En

Cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân

09:03, 07/03/2012

Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Quy định số 47-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm, trong đó Điều 5 quy định: không được cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Quy định số 47-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm, trong đó Điều 5 quy định: không được cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo. Tại hội nghị tổng kết ngành kiểm tra Đảng của tỉnh vừa qua, trong công tác phổ biến 19 điều đảng viên không được làm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hoàng Thị Lài cũng nhấn mạnh nội dung: không xem xét đối với những đơn tố cáo có từ hai đảng viên trở lên cùng ký tên.

Quy định đã rõ, nhưng khi đưa vào áp dụng trong thực tế, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, thắc mắc. Có ý kiến cho rằng liên quan đến vấn đề xây dựng Đảng thì cần phải cân nhắc bởi vì tố cáo là hình thức góp ý, phê bình, thông tin đến tổ chức Đảng. Việc một, hai hay nhiều đảng viên đứng tên trong đơn không quan trọng bằng nội dung khiếu nại, tố cáo. Nếu việc tố cáo đó là đúng, người thông tin có tinh thần trách nhiệm, nội dung mang tính xây dựng thì hà cớ gì lại không xem xét? Nếu chỉ vì đảng viên vi phạm quy định tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo mà không xem xét nội dung đơn, phải chăng Đảng đang tự hạn chế thông tin xây dựng Đảng? Trên cơ sở lập luận đó, một số đảng viên cho rằng: với dụng ý xấu thì một người đứng đơn cũng không giải quyết, còn hai người ký tên trở lên nhưng động cơ đúng đắn, thể hiện trách nhiệm thì cũng nên xem xét.

Có thể nhận thấy, với Quy định số 47-QĐ/TW, Ban Chấp hành trung ương Đảng đã cụ thể hóa trách nhiệm của mỗi đảng viên. Cùng một sự kiện xảy ra, nhưng mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận, lập luận riêng tùy theo hoàn cảnh, từ đó thông tin đến tổ chức Đảng cũng sẽ khác nhau. Trên cơ sở đó, mỗi đảng viên sẽ chịu trách nhiệm riêng trước Đảng về thông tin của chính mình. Do đó, quy định mỗi đảng viên phải tự ký tên trên đơn tố cáo là điều cần thiết. Ngoài ra, đó còn là hình thức tránh tình trạng giả mạo, sao in chữ ký để lắp ghép vào đơn mà trước đây đã từng xảy ra phổ biến.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đề xuất một giải pháp thể hiện tinh thần trách nhiệm. Với những đơn tố cáo có nội dung, mang tính xây dựng nhưng vi phạm quy định (hai người ký tên trở lên), cấp tiếp nhận cần giải thích, động viên người viết thực hiện đúng quy định, sau đó sẽ tiếp nhận chứ không máy móc là không xem xét giải quyết. Xem ra, đây là cách giải quyết hài hòa, hợp tình hợp lý.

Linh Lan

 

 

Tin xem nhiều