Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất bình đẳng giới trong... quảng cáo

09:03, 28/03/2012

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông giúp các sản phẩm tiêu dùng đến gần hơn với người tiêu dùng nhưng ít ai nghĩ có một lý do mà công nghệ này đang lạm dụng, đó chính là sử dụng quá nhiều hình ảnh phụ nữ, trẻ em cho mục đích quảng cáo.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông giúp các sản phẩm tiêu dùng đến gần hơn với người tiêu dùng nhưng ít ai nghĩ có một lý do mà công nghệ này đang lạm dụng, đó chính là sử dụng quá nhiều hình ảnh phụ nữ, trẻ em cho mục đích quảng cáo. Vì thế mà tần suất xuất hiện của phụ nữ trên báo chí và truyền hình là rất nhiều và gắn vào đó là các hoạt động mang tính phục vụ như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái, giặt giũ quần áo…

Điều đó nói lên tầm quan trọng của người vợ trong gia đình. Tuy nhiên, dưới lăng kính giới thì những thông tin quảng cáo như thế ngầm chuyển đi một thông điệp về định kiến giới: phụ nữ là người có trách nhiệm và bổn phận về việc bếp núc, giặt giũ, con cái…

Truyền thông cũng đã xuất hiện những quảng cáo mang tư tưởng mới tích cực, khẳng định vai trò của các ông bố trong gia đình, đó là các hình ảnh gắn liền với trách nhiệm giới như chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái, nấu nướng… và coi đó là một phần trách nhiệm với gia đình, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với người xem. Tuy nhiên, những nội dung quảng cáo này còn quá ít so với những quảng cáo mang tư tưởng trọng nam khinh nữ, những quảng cáo mang hình ảnh, khẩu hiệu…tiềm ẩn nguy cơ về định kiến giới, mang lại cái nhìn bất bình đẳng giới trong xã hội.

Nếu trong quảng cáo, hình ảnh phụ nữ gắn liền với các công việc nội trợ gia đình vốn được xem là công việc không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, thì nam giới xuất hiện với những hình ảnh sang trọng, mạnh mẽ, quyết đoán với những công việc khoa học, thu nhập cao, hay bên những chiếc xe hơi đắt tiền, những ngôi nhà cao cấp… Điều đó đã tạo ra những “hình mẫu” nam giới và phụ nữ vốn đang còn tồn tại nhiều bất bình đẳng.

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm quảng cáo, trong các bộ phim truyện do Việt Nam sản xuất cũng thường thấy xuất hiện hình ảnh những vị lãnh đạo đầu ngành, tổng giám đốc công ty, chủ tịch… đều là nam giới trong khi phụ nữ chỉ ở vị trí, vai trò như văn thư, văn phòng...

Ở Đồng Nai, trong kế hoạch của UBND tỉnh có mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin với nội dung: “Đến năm 2015, đảm bảo 80% sản phẩm văn hóa, thông tin được kiểm soát, loại trừ yếu tố định kiến giới”. Để đạt mục tiêu bình đẳng giới trong các sản phẩm truyền thông, đã đến lúc ở nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng cần có bộ phận kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo để hạn chế bớt những yếu tố định kiến giới.

Vĩnh Quang

 

Tin xem nhiều