Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp nào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước?

09:11, 14/11/2011

Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII.

Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ với lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước.

Đối với tái cấu trúc nền kinh tế, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều, đó là tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Bởi trong thời gian gần đây, dư luận đặc biệt chú ý đến khoản nợ xấu ngân hàng của một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)… Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 8-2011, nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức trên 76 ngàn tỷ đồng và đang có xu hướng tăng. Trong đó, các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất trắng khoảng 37 ngàn tỷ đồng. Theo kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới (WB) Deepak Mishra, thì tái cơ cấu DNNN không thể lơ đãng với những khoản nợ này. Vì một khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, việc giải quyết các tài sản liên quan đến doanh nghiệp cũng không đơn giản.

Cả nước hiện có trên 1.200 DNNN, nhưng theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, hàng năm có khoảng 12% DNNN thua lỗ. Mức lỗ bình quân của một DNNN cao gấp 12 lần so với khối doanh nghiệp tư nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu DNNN đối với hoạt động kinh doanh chưa hợp lý, còn những khoảng cách khá xa giữa chính sách và thực tiễn. Mặt khác, DNNN ít theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Chính vì vậy, DNNN được đầu tư sử dụng nhiều nguồn lực nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ lại chưa tương xứng. Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phải đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh. Qua đó, cần tách biệt vai trò Nhà nước giữa tư cách là chủ sở hữu với tư cách quản lý điều hành. Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế trung ương cho rằng, quan trọng nhất trong việc tái cơ cấu DNNN là công khai hóa, minh bạch hóa thông tin. Điều này sẽ tạo sức ép buộc lãnh đạo doanh nghiệp phải ứng xử theo cơ chế thị trường. Một trong những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của khối DNNN là đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hẹp tối đa số DNNN nắm giữ vốn 100%.

Thực tế, mô hình cổ phần hóa và hình thức kinh doanh khác đã được triển khai từ năm 2007, nhưng tiến trình thực hiện chuyển đổi trên cả nước khá chậm. Ở Đồng Nai đến nay, đã có 34 DNNN thực hiện cổ phần hóa, chuyển thành công ty TNHH một thành viên 7 doanh nghiệp; hình thành được 1 tổng công ty và 2 công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con... Quá trình hoạt động, những doanh nghiệp này không ngừng phát triển, mở rộng đi lên. Điển hình là Công ty chế biến xuất nhập khẩu & nông sản thực phẩm Đồng Nai - Donafoods, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), Tổng công ty phát triển KCN Sonadezi... đều là những tên tuổi đang nổi trên thương trường. Như vậy, tái cơ cấu DNNN đang mở ra cho các doanh nghiệp hướng đi mới - trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của các cổ đông trong việc đầu tư, giám sát doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường và sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Nói như tiến sĩ Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương: Các DNNN tiềm ẩn rủi ro nhiều hơn so với những doanh nghiệp khác, nguyên nhân là do động lực hoạt động kém, nhưng vẫn nhận được nhiều hỗ trợ từ “bầu sữa” ngân sách Nhà nước nên thường có tính… ỷ lại.

T.Nguyên

 

Tin xem nhiều