Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành bị xử phạt hành chính 405 triệu đồng vì xả nước thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường.
Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành bị xử phạt hành chính 405 triệu đồng vì xả nước thải vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn ra môi trường. Nói như ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành thì quyết định này của C49 là xác đáng. Ở đây có thể thấy, việc xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường là cần thiết, nhằm để răn đe những trường hợp tương tự có thể xảy ra ở nơi này, nơi khác. Song, lâu nay vấn đề gây ô nhiễm môi trường không còn “lạ” với người dân.
Chỉ tính trong những năm gần đây, Đồng Nai đã xảy ra nhiều vụ “xì-căng-đan” về môi trường gây tai tiếng. Nổi cộm là vụ Công ty Vedan Việt Nam lén lút xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải suốt 14 năm ròng (phát hiện vào tháng 9 năm 2008). Tiếp đó là Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam trong nhiều năm hoạt động cũng xả thải gây ô nhiễm sông La Ngà (huyện Định Quán). Đối với trường hợp này, do không thể chịu đựng tình trạng ô nhiễm lâu hơn, hàng trăm người dân tiến hành dựng lều, trại bao vây trước cổng Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam để yêu cầu doanh nghiệp ngưng hoạt động. Sau đó đơn vị này bị tạm đình chỉ trong một thời gian (từ tháng 7-2009). Hai vụ “đình đám” kể trên lẽ ra là bài học đắt giá cho những doanh nghiệp khác, vì ngoài bị xử phạt, doanh nghiệp gây ô nhiễm còn buộc phải khắc phục hậu quả; chưa kể đến việc kinh doanh bị ngừng trệ, thương hiệu bị ảnh hưởng. Thế nhưng, thực trạng về ô nhiễm môi trường vẫn cứ xảy ra, không ở đâu xa, ngay tại thành phố loại II như Biên Hòa. Đấy là tình trạng cá bè nuôi không ít lần chết trắng trên sông Cái, đoạn thuộc phường Thống Nhất và Tân Mai. Không chỉ trong sản xuất, mà ngay ở khu dân cư đang yên ả, bỗng dưng trở thành “xóm thối” vì mùi đặc trưng của chất thải trong các nhà máy sản xuất sử dụng hóa chất gây ra, hoặc tại những khu vực gần bãi chôn rác nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn.
Vì thế, có những thời điểm, cuộc sống người dân nông thôn tại những dòng sông “chết” ngày càng cơ cực vì phải sản xuất nông nghiệp từ dòng nước bẩn; người dân thành thị bất an khi hàng ngày cứ phải hứng chịu mùi xú uế từ đâu đó đem lại. Cho nên, không phải tự nhiên mà dư luận tại những nơi này liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Điều dư luận băn khoăn, thắc mắc là tại sao chỉ đến khi phát hiện ra cơ sở này, doanh nghiệp nọ gây ô nhiễm môi trường thì lúc đó cơ quan chức năng mới loay hoay phân tích nguyên nhân vi phạm, mới đánh giá tác động liên quan đến môi trường và dân sinh. Giá như công tác “phòng” được thực hiện tốt thì rất có thể sẽ nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn ngay những hành vi tiêu cực khi xả nước thải hủy hoại môi trường.
Nhà nước đã tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh - sản xuất. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ tính đến lợi ích của mình mà “quên” đi cuộc sống chung quanh thì những đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội trở nên vô nghĩa. Do đó, việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung. Chỉ khi nào mỗi người trong xã hội nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng; đồng thời chung tay giữ vững môi trường thì cuộc sống mới được đảm bảo an toàn dài lâu.
T.Nguyên