Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm yếu cố hữu!

10:09, 07/09/2011

Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở Đồng Nai vừa qua, một tờ báo tại TP.Hồ Chí Minh “chiêu dụ” khách hàng như sau: bạn đọc đặt mua 1 năm báo thường (tuần ra 3 kỳ) giá 413 ngàn đồng.

Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở Đồng Nai vừa qua, một tờ báo tại TP.Hồ Chí Minh “chiêu dụ” khách hàng như sau: bạn đọc đặt mua 1 năm báo thường (tuần ra 3 kỳ) giá 413 ngàn đồng. Nếu đặt mua 2 năm báo nguyệt san (tháng 1 kỳ) với giá chỉ có 418 ngàn đồng sẽ được tặng 1 năm báo thường và còn tặng lịch block độc quyền trong 2 năm liền. Tính ra, bạn đọc chỉ cần tốn thêm 5 ngàn đồng đã có 1 năm báo thường kèm 2 năm báo nguyệt san. Một chiêu khuyến mãi hết sức hấp dẫn với mục đích của tờ báo là tiếp thị đến bạn đọc tờ nguyệt san.  

Cách tiếp thị sản phẩm của tờ báo trên có thể nói là rất chuyên nghiệp, trong khi đó lại là điểm yếu cố hữu của không ít doanh nghiệp (DN) trong nước. Anh Đỗ Quốc Phong, người chăn nuôi heo ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất cho biết: DN sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) Việt Nam rất yếu khâu tiếp thị, trong khi đó công ty nước ngoài rất mạnh về vấn đề này. Họ cử nhân viên đến từng trại chăn nuôi để mời sử dụng TĂCN của mình và còn giải thích rõ ràng khi sử dụng sản phẩm đó sẽ có hiệu quả đến đâu. Nhiều DN nước ngoài còn đưa ra những cam kết về chất lượng sản phẩm và có những chính sách ưu đãi kèm theo. Ngược lại, hầu như không thấy bóng dáng nhân viên tiếp thị của các hãng sản xuất TĂCN trong nước đâu! Chính vì vậy, dù muốn chọn cám nội người chăn nuôi cũng rất băn khoăn không biết độ tin cậy đến đâu, do đó nhiều trang trại vẫn sử dụng cám ngoại để nuôi heo là điều đương nhiên.

Hơn chục năm về trước, tại không ít chợ truyền thống nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thấy những “ông Tây” với giọng nói lơ lớ đi chào bán sản phẩm của DN họ làm ra, cho dù mỗi gói sản phẩm chỉ có giá khoảng 500 - 1.000 đồng. Đó cũng là một chiêu tiếp thị, quảng bá hàng hóa đến tận người bán hàng lẫn người mua một cách ấn tượng. Hầu hết DN có vốn nước ngoài đều có một đội ngũ nhân viên được huấn luyện chuyên làm công việc tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Họ tỏa đi khắp nơi, lần đến các chợ truyền thống từ thành thị xuống nông thôn. Trong khi mạng lưới phân phối và tiếp thị sản phẩm của DN trong nước gần như “bỏ trống” ở các chợ truyền thống. Có DN thì ra mắt sản phẩm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.

Dẫu biết rằng, việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm và  xây dựng hệ thống phân phối là rất tốn kém, cần phải làm bài bản và có tính chuyên nghiệp, thế nhưng nếu không chủ động nắm bắt thị trường thì DN trong nước cũng khó phát triển sản xuất lớn mạnh.

Xuân Phú

 

 

Tin xem nhiều