Báo Đồng Nai điện tử
En

Bình ổn giá cho ai?

09:08, 29/08/2011

Đến nay, chủ trương dùng vốn ngân sách hỗ trợ một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nhằm góp phần bình ổn giá trên thị trường, chống đầu cơ tăng giá đột biến để đảm bảo an sinh xã hội đã được một số tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện.

Đến nay, chủ trương dùng vốn ngân sách hỗ trợ một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nhằm góp phần bình ổn giá trên thị trường, chống đầu cơ tăng giá đột biến để đảm bảo an sinh xã hội đã được một số tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện. Và bước đầu cũng đã phát huy tác dụng. Tuy vậy, trong việc thực hiện chủ trương bình ổn giá cũng có không ít băn khoăn từ phía nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai than phiền rằng, việc bình ổn giá mới chỉ làm phần “ngọn” thay vì phải bắt đầu từ “gốc” do vậy đối tượng được thụ hưởng chủ trương này rất ít ỏi, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng. Hiện nay toàn tỉnh có hàng trăm trang trại nuôi heo và gà  nhưng trên thực tế có được mấy trại chăn nuôi thuộc diện được tham gia vào bình ổn giá! Việc dùng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ giá bán lẻ cho một số lượng thịt heo, gà nhất định điều đó cũng có nghĩa là hàng trăm doanh nghiệp chăn nuôi khác bị “ép” giá đầu ra. Như vậy, cái gốc của vấn đề là sản xuất đã không tạo ra được mặt bằng làm ăn cạnh tranh, bình đẳng.  

Với “đầu ra” của hàng hóa bình ổn giá là các doanh nghiệp phân phối tham gia, trong đó có siêu thị, có nghĩa là vốn ngân sách hỗ trợ hàng hóa bình ổn giá cho “nhà giàu”! Thử hỏi hệ thống cửa hàng bán lẻ của các doanh nghiệp phân phối này mở rộng tới đâu hay chỉ tập trung ngay tại các trung tâm thành phố? Và những ai vào siêu thị để mua lương thực, thực phẩm nằm trong diện bình ổn giá, chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng số người đi chợ hàng ngày? Trong khi đó, còn hàng trăm, hàng ngàn chợ truyền thống, chợ nhỏ, chợ công nhân… với những đối tượng đi chợ rất cần sự quan tâm từ chủ trương mang tính xã hội này thì nằm ngoài tầm với của hàng hóa bình ổn giá. Trên thực tế, lượng hàng hóa nằm trong diện bình ổn giá chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng số lượng của những mặt hàng này bán ra trên thị trường.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với “sứ mệnh” giữ cho giá một số mặt hàng thiết yếu không bị tăng cao khi thị trường có biến động thì chủ trương dùng vốn ngân sách để hỗ trợ bình ổn giá chỉ có tính nhất thời. Có thể chỉ hỗ trợ khuyến khích các phiên chợ bán hàng cho công nhân ở các khu công nghiệp hoặc vùng nông thôn.

Vấn đề cơ bản là nhà nước cần quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho sản xuất, cụ thể như người chăn nuôi có được con giống cùng với giá thức ăn chăn nuôi hợp lý để hạ giá thành sản phẩm, khi đó sẽ “điều chỉnh” được giá bán lẻ trên thị trường. Đó mới là giải quyết bình ổn giá từ gốc, tạo ra sự công bằng trong sản xuất và thụ hưởng, không chỉ mang phạm vi cục bộ, bó hẹp mà mang tính toàn xã hội.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều