Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật có bảo vệ được người tiêu dùng?

10:07, 07/07/2011

Có thể thấy, hiện nay trên thị trường có nhiều điều rất bất lợi đang “bủa vây” người tiêu dùng (NTD), từ hàng bình dân đến cao cấp, từ hàng thiết yếu với bữa ăn hàng ngày tới đồ gia dụng phổ thông, hàng tươi sống đến các thực phẩm công nghiệp.

Có thể thấy, hiện nay trên thị trường có nhiều điều rất bất lợi đang “bủa vây” người tiêu dùng (NTD), từ hàng bình dân đến cao cấp, từ hàng thiết yếu với bữa ăn hàng ngày tới đồ gia dụng phổ thông, hàng tươi sống đến các thực phẩm công nghiệp. Đó là các loại hàng hóa kém chất lượng không được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát; thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quảng cáo thổi phồng về tính năng của sản phẩm; hàng bị đẩy giá cao ngất ngưỡng đến mức phi lý… Cụ thể, như: sữa hộp cho trẻ em nhập ngoại và xe ô tô lắp ráp ở Việt Nam có giá đắt hơn rất nhiều so với các nước giàu có trên thế giới! Rất nhiều mặt hàng thực phẩm được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc đều không được kiểm soát về chất lượng. Hàng giả, hàng dỏm bày bán la liệt tại các chợ từ thành thị xuống nông thôn. Một đồng nghiệp của người viết bài này than, Đồng Nai có sản phẩm sữa tươi và chế biến từ sữa tươi khá nổi tiếng  ở Long Thành thế nhưng đi qua An Phước - Long Thành lại có nhiều điểm bán sữa tươi có cách trình bày khá giống nhau, khách hàng khó phân biệt đâu là thật, đâu là “nhái“!

Nhìn chung NTD trong nước vẫn thường chấp nhận thua thiệt về mình, chưa có thói quen đi khiếu nại, khởi kiện khi mua phải hàng kém chất lượng , hàng quảng cáo bị thổi phồng, cho dù ở các tỉnh, thành phố đều đã có Hội bảo vệ quyền lợi NTD.

Kể từ ngày 1-7-2011, Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng  (BVQL NTD)  chính thức có hiệu lực, thay thế cho Pháp lệnh BVQL NTD đã có từ năm 1999. Luật này có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý về các hành vi bị cấm, như: cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo; che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác về sản phẩm, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa; quấy rối NTD qua việc tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái ý muốn của NTD từ 2 lần trở lên... BVQL của NTD đã được luật hóa là điều kiện cần thiết để nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà sản xuất, buôn bán  và cung ứng dịch vụ.

Thế nhưng, Luật BVQL NTD không phải là “chiếc đũa thần” sẽ đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, hiệu quả. Để luật bảo vệ được quyền lợi NTD cần phải có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành trung ương xuống các địa phương; sớm có các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ NTD. Các Hội BVQL NTD cũng cần được củng cố để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo niềm tin cho NTD. Song song đó, người tiêu dùng cũng cần phải biết tự bảo vệ mình, bằng cách mua hàng hóa ở những địa chỉ đáng tin cậy, khi mua hàng phải xem kỹ nơi sản xuất, thời hạn sử dụng; kiên quyết không “tiếp tay” cho nạn làm hàng giả, hàng dỏm.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều