Thời kỳ "hậu" xây dựng nông thôn mới (NTM), Đồng Nai tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển các nhóm cây, con chủ lực có quy mô hàng hóa lớn, bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thời kỳ “hậu” xây dựng nông thôn mới (NTM), Đồng Nai tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển các nhóm cây, con chủ lực có quy mô hàng hóa lớn, bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cây bưởi là cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên |
UBND tỉnh đã ban hành quyết định về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025. Trong 24 loại cây trồng chủ lực thì cây công nghiệp và cây ăn trái được xác định là nhóm cây chủ lực thế mạnh cần tập trung phát triển. 5 sản phẩm chăn nuôi, ngoài heo, gà thì lĩnh vực nuôi thủy sản có tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá được chú trọng phát triển trong giai đoạn tới.
* Khai thác cây trồng thế mạnh
Thời gian qua, nhiều loại cây công nghiệp lâu năm như: cao su, tiêu, cà phê, điều gặp khó khăn do giá cả thường ở mức thấp do thị trường thế giới cung vượt cầu. Tuy nhiên với những lợi thế của địa phương về thế mạnh phát triển ngành chế biến, xuất khẩu, đây vẫn là nhóm cây chủ lực của Đồng Nai trong giai đoạn tới.
Nhóm cây ăn trái lâu năm gồm: sầu riêng, xoài, chôm chôm, bưởi, cam quýt, mít, bơ, măng cụt, thanh long vẫn tiếp tục được xác định là nhóm cây trồng thế mạnh của tỉnh.
Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh nhấn mạnh, Đồng Nai có nhiều loại cây ăn trái thế mạnh như: chuối, chôm chôm, sầu riêng… đứng đầu cả nước về diện tích. Đây là nhóm cây trồng chủ lực cho thu nhập cao nên sẽ được tập trung phát triển. “Phát triển nhóm cây trồng này phải gắn với thị trường tiêu thụ chứ không chạy theo phong trào. Trong đó, để có đầu ra bền vững, các địa phương cần tập trung xây dựng những vùng chuyên canh theo quy mô hàng hóa lớn, đạt chuẩn xuất khẩu vào cả những thị trường khó tính” - ông Vinh phân tích.
Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) - xã đầu tiên của Đồng Nai và các tỉnh khu vực phía Nam đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu - cho biết, địa phương đã tập trung chuyển đổi cây trồng từ những ruộng lúa đất cao thiếu nước, những vườn tràm, vườn mía cằn cỗi sang trồng cây có múi như: cam, quýt, bưởi. “Chúng tôi không hài lòng với những gì đã đạt được mà vẫn kiên trì với mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho nông dân bằng cách chuyển hướng sản xuất an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu để nông sản có đầu ra bền vững” - ông Long chia sẻ.
* Giữ vị trí tốp đầu về chăn nuôi
Sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Đồng Nai trong giai đoạn mới gồm: động vật trên cạn có heo, gà; sản phẩm chăn nuôi dưới nước có tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá.
H.Tân Phú tập trung phát triển vùng nuôi tôm VietGAP tại xã Trà Cổ. Ảnh: B.Nguyên |
Năm 2019, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề do dịch tả heo châu Phi. Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi gia cầm cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì rơi vào cảnh giá thấp chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Song với nỗ lực khôi phục đàn heo sau dịch tả heo châu Phi, tổng đàn heo của Đồng Nai hiện đạt khoảng 1,8 triệu con và với tổng đàn gia cầm đạt 23,6 triệu con, Đồng Nai vẫn thuộc tốp đầu cả nước trong chăn nuôi cả về tổng đàn và sản lượng.
Để vượt qua khó khăn, ngành chăn nuôi đang cơ cấu lại theo hướng chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để có giá thành chăn nuôi cạnh tranh với đầu ra bền vững khi bước ra “sân chơi” thế giới.
Trong đó, nuôi trồng thủy sản cũng luôn đạt mức tăng trưởng cao, góp phần giữ ổn định về tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khi chăn nuôi heo, gà gặp khó khăn.
Tuy là huyện miền núi nhưng Tân Phú có nhiều lợi thế phát triển trong nuôi trồng thủy sản. Hiện mô hình nuôi tôm càng xanh VietGAP, nuôi cá đồng… đang cho lợi nhuận cao. Định hướng cho mục tiêu xây dựng NTM nâng cao trong giai đoạn tới, Chủ tịch UBND H.Tân Phú Võ Tuấn Dũng cho biết: “Huyện sẽ tập trung nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả như: phát triển vùng chuyên canh sầu riêng, bưởi, vùng nuôi tôm, cá… Không chỉ tập trung vào sản xuất mà chúng tôi sẽ chú trọng thực hiện sản xuất an toàn, nông sản được truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu… để có đầu ra bền vững”.
Phát triển các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao cũng đang được nhiều địa phương của tỉnh chú trọng đầu tư. Theo Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương, toàn huyện có trên 1,9 ngàn ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, hơn 1,5 ngàn ha nuôi thủy sản nước lợ, đây tiếp tục là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của huyện giai đoạn tới. Địa phương đang khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Bình Nguyên