Cha mẹ tôi tổ chức đám cưới vào tháng 12-1987 nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 1989, do phát sinh mâu thuẫn nên 2 người không sống chung với nhau nữa, mỗi người ở một nơi. Năm 2016, cha tôi chết không để lại di chúc.
Hỏi: Cha mẹ tôi tổ chức đám cưới vào tháng 12-1987 nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 1989, do phát sinh mâu thuẫn nên 2 người không sống chung với nhau nữa, mỗi người ở một nơi. Năm 2016, cha tôi chết không để lại di chúc. Riêng di sản thừa kế của cha tôi, gồm nhà, đất trước khi ông mất có làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ghi năm 2015. Khi nhận hồ sơ, xã có cấp biên nhận và ghi tên cha tôi trong sổ địa chính. Xin hỏi, ngoài tôi ra còn có ai là người được hưởng di sản thừa kế?
Ngô Hoàng Nhân (huyện Tân Phú)
Theo quy định của Luật Hôn nhân - gia đình, cha mẹ của bạn không đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức lễ cưới theo tập quán thông thường nên không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Từ năm 1989, cha mẹ bạn không sống chung với nhau, mỗi người tự chủ về kinh tế nên không có gì ràng buộc giữa 2 người. Mặt khác, đến năm 2015 cha bạn mới làm thủ tục đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Như vậy, có thể xác định phần tài sản đó là riêng của cha bạn. Trong khi đó, cha bạn chết không để lại di chúc nên việc thừa kế được chia theo quy định của pháp luật.
Theo đó, ở hàng thừa kế thứ nhất gồm: cha, mẹ, vợ (chồng), con là người được hưởng di sản thừa kế. Căn cứ cơ sở pháp lý, ngoài bạn thì ông bà nội của bạn là người được hưởng thừa kế di sản mà cha bạn để lại nếu họ còn sống tại thời điểm người để lại di sản chết.
LS.Ngô Văn Định