Năm 2011, cha chúng tôi qua đời, mẹ tôi thì đã mất 15 năm trước. Đến năm 2012, em ruột tôi đến UBND xã để xin chứng thực "Biên bản họp gia tộc". Nội dung xin chứng thực là cha tôi và tất cả anh chị em ruột trong gia đình đồng ý tặng cho người em út quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở.
Hỏi: Năm 2011, cha chúng tôi qua đời, mẹ tôi thì đã mất 15 năm trước. Đến năm 2012, em ruột tôi đến UBND xã để xin chứng thực “Biên bản họp gia tộc”. Nội dung xin chứng thực là cha tôi và tất cả anh chị em ruột trong gia đình đồng ý tặng cho người em út quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Chủ tịch UBND xã đã chứng thực như sau: “Ông Nguyễn Văn Hai và 4 người con đã ký tên trước mặt tôi, nội dung biên bản họp gia tộc là đúng”. Sau này, nhà và đất ở được sang tên từ mẹ tôi qua người em út. Thực tế, 3 anh chị em chúng tôi (ngoài em út) không đến UBND xã ký tên. Xin hỏi, UBND xã chứng thực không đúng sự thật thì chúng tôi khởi kiện được không; chúng tôi phải làm sao để được chia thừa kế di sản của cha mẹ?
Nguyễn Văn Năm (huyện Vĩnh Cửu)
Trả lời: Trong Bộ luật Dân sự hiện hành không quy định về gia tộc, mà chỉ quy định những người ở hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba. Cha của anh mất năm 2011 nhưng đến năm 2012 UBND xã mới chứng thực chữ ký là không đúng. Mặt khác, các anh không có mặt để ký tên trước người chứng thực là sai. Các anh có thể khiếu nại vấn đề này tới UBND xã để chủ tịch UBND xã rút lại việc chứng thực không đúng của mình. Nếu không đạt kết quả, các anh có thể khởi kiện hành chính tại tòa án cấp huyện, yêu cầu UBND xã và người ký hủy bỏ việc chứng thực sai. Để được chia di sản thừa kế, anh có thể đứng đơn khởi kiện, đề nghị tòa án nhân dân huyện chia di sản của cha mẹ để lại theo quy định của pháp luật.
Chúc anh gặp may mắn!
LS. Nguyễn Đức