Qua tìm hiểu về lĩnh vực pháp luật, tôi được biết là quy định về độ tuổi trong các quan hệ pháp luật rất khác nhau.
Hỏi:
Qua tìm hiểu về lĩnh vực pháp luật, tôi được biết là quy định về độ tuổi trong các quan hệ pháp luật rất khác nhau. Xin được tư vấn cụ thể vấn đề này, như:
-Thành niên là bao nhiêu tuổi?
-Tuổi của trẻ em?
-Tuổi của người lao động?
-Tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?
-Tuổi kết hôn?
-Tuổi của người già và người cao tuổi?
Thanh Hằng (sinh viên Trường đại học Lạc Hồng)
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tìm hiểu và đặt vấn đề hết sức thú vị. Đúng là hiện nay trong các lĩnh vực pháp luật quy định nhiều độ tuổi khác nhau. Cụ thể như sau:
- Tuổi thành niên là đủ 18 tuổi trở lên.
- Trẻ em là những người chưa đủ 16 tuổi.
- Người lao động là người đủ 15 tuổi.
- Tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự:
• Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
• Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Tuổi kết hôn: Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên.
- Người cao tuổi là người đủ 60 tuổi trở lên.
• Người già là người 70 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ thì sẽ thấy những bất cập trong việc quy định độ tuổi trong từng lĩnh vực. Ví dụ: Thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên, còn trẻ em là chưa đủ 16 tuổi. Chính vì vậy, bất cập ở chỗ, nếu đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì không còn là trẻ em, nhưng lại chưa thành niên. Quy định đối với người già và người cao tuổi cũng không đồng nhất. Chẳng hạn, người đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi (theo quy định tại Điều 2 của Luật Người cao tuổi) còn người già theo quy định tại Bộ luật Hình sự là người từ 70 tuổi trở lên (người già phạm tội hình sự là tình tiết giảm nhẹ; hoặc phạm tội đối với người già là tình tiết tăng nặng). Cần trao đổi cụ thể hơn, vui lòng gặp trực tiếp luật sư.
LS.Nguyễn Đức