Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bằng Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nguyên tắc “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng coi nhân dân là chủ nhân của đất nước và là nguồn gốc của quyền lực.
Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bằng Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nguyên tắc “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng coi nhân dân là chủ nhân của đất nước và là nguồn gốc của quyền lực.
Với quan điểm đó, các bản Hiến pháp của Việt Nam từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992 đều dành hẳn một chương quy định về nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Trong đó, Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, sau Chương I quy định về chính thể thì Chương II quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân với 18/70 điều của Hiến pháp 1946. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này dành cả Chương II với 37 điều (từ điều 15 đến điều 52) để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Với bố cục và số lượng các điều luật cho thấy Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này đã tiếp tục quán triệt quan điểm “Bao nhiêu quyền hạn đều là của dân”. Theo đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định nhiều điều mới, như: điều 16; điều 21; điều 44; điều 45; điều 46. Ngoài ra, các điều còn lại đều được sửa đổi, bổ sung. Tất cả nội dung này cho thấy Nhà nước đặc biệt quan tâm đến quyền con người, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và đưa nó thành những nguyên tắc hiến định.
Về quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự lại được quy định ở khoản 7 điều 108 (Chương VII quy định về Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân). Để làm rõ và cụ thể hơn nội dung này, chúng tôi đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nên đưa nội dung này ở Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; có thể quy định bổ sung tại điều 17, như sau:
1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
3. (Phần bổ sung mới) Quyền bào chữa của bị can, bị cáo được bảo đảm. Bị can, bị cáo được tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện thuận lợi để bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa.
4. (Phần bổ sung mới) Quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm, công dân có quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc có thể nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước thẩm quyền phải tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền của mình.
Nếu không bổ sung vào điều 17 được (có thể vì quá dài) thì xin đề nghị thiết kế thêm 1 điều mới với nội dung như đã nêu trên (tại khoản 3 và khoản 4). Với trách nhiệm là luật sư, tôi tin tưởng những góp ý trên đây được cơ quan thẩm quyền quan tâm xem xét và bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
LS.Nguyễn Đức