Sinh thời, ông bà nội chúng tôi có tạo lập được một số bất động sản. Khi ông bà mất thì số di sản đó do ba chúng tôi và các chú, cô ruột quản lý sử dụng, không ai tranh chấp.
Sinh thời, ông bà nội chúng tôi có tạo lập được một số bất động sản. Khi ông bà mất thì số di sản đó do ba chúng tôi và các chú, cô ruột quản lý sử dụng, không ai tranh chấp. Vừa rồi, có một số người trong thân tộc gọi ông bà nội chúng tôi bằng ông bà họ (ông bà nội chúng tôi là anh chị em ruột của ông bà nội, ông bà ngoại của những người đó) cùng họp lại và lập “biên bản họp hội đồng gia tộc” với nội dung là nhất trí với nhau về việc phân chia di sản của ông bà nội chúng tôi. Gia đình chúng tôi rất thắc mắc trước “chuyện lạ” này. Bởi, hội đồng gia tộc gồm những ai, giá trị pháp lý của biên bản họp hội đồng gia tộc ra sao? Chúng tôi rất mong được quý báo tư vấn cụ thể.
Trần Văn Long (huyện Nhơn Trạch)
Trước tiên, cảm ơn bạn đã đặt vấn đề hết sức thú vị. Trong hệ thống pháp luật hiện hành không quy định thế nào là “hội đồng gia tộc” cho nên không thể nói “hội đồng gia tộc” bao gồm những ai? Trong trường hợp cụ thể mà bạn hỏi, xin được trao đổi một số nội dung sau đây:
- Di sản của ông bà nội của bạn để lại, nếu không có di chúc hợp pháp thì những người thừa kế ở hàng thứ nhất (bao gồm con đẻ, con nuôi của ông bà nội) được quyền hưởng thừa kế di sản đó. Trường hợp họ không tự thỏa thuận chia di sản được thì yêu cầu tòa án phân xử.
- Vì những người thừa kế ở hàng thứ nhất của ông bà nội còn sống nên những người không thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì không có quyền quyết định chia di sản của ông bà nội của bạn dưới hình thức “biên bản họp hội đồng gia tộc”.
- Theo đúng quy định của pháp luật thì chỉ nên lập “biên bản họp những người thừa kế ở hàng thứ nhất”. Nếu những người thừa kế ở hàng thứ nhất không còn ai thì số người thừa kế ở hàng thứ hai mới có thể tính chuyện thừa kế. Khi người thừa kế ở hàng thứ hai không còn, hoặc họ từ chối nhận di sản thì những người thừa kế ở hàng thừa kế thứ ba mới tiến hành lập biên bản thỏa thuận về việc phân chia di sản. Theo quy định của pháp luật về thừa kế chỉ quy định 3 hàng thừa kế, bao gồm: Hàng thừa kế thứ nhất, gồm: Cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi của người chết. Hàng thừa kế thứ hai, gồm: Ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Hàng thừa kế thứ ba, gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết gọi người chết là cụ nội, cụ ngoại. Ngoài 3 hàng thừa kế trên đây thì không ai có quyền thỏa thuận bằng “biên bản họp hội đồng gia tộc” để hưởng di sản thừa kế.
Cần trao đổi thêm xin vui lòng liên hệ điện thoại: 0913.755.442 để gặp luật sư. Chúc các bạn gặp may mắn.
LS.Nguyễn Đức